Là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, với 23 đơn vị thành viên, trong đó, có nhiều đơn vị được thành lập từ những năm đầu Thủ đô mới giải phóng như: Công ty Thực phẩm Hà Nội; Hệ thống bách hóa Hà Nội cũ... và là những đơn vị SX-KD chủ lực của thành phố, có nhiều đóng góp tích cực cho ngành thương mại Thủ đô từ hơn nửa thế kỷ qua.
Trên cơ sở sắp xếp lại các DNNN của Thủ đô, trong lĩnh vực thương mại và Công ty Sản xuất Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Nam Hà Nội trực thuộc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương Hà Nội), được giao nhiệm vụ đảm nhận chức năng là Công ty Mẹ - Tổng công ty, đến nay đã khẳng định được vai trò chủ đạo, định hướng, dẫn dắt hoạt động SX-KD trong toàn ngành trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Tổng công ty và đơn vị thành viên.
Thế mạnh của Hapro trong những năm qua chính là xuất nhập khẩu, mở rộng, thiết lập quan hệ xúc tiến thương mại với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời, phát triển mối liên kết, hợp tác với các cơ sở sản xuất, gia công, chế biến các mặt hàng xuất khẩu để tạo nguồn hàng vững chắc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, với chủ trương và mục tiêu nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, Tổng công ty cũng đã tập trung nguồn lực, thực hiện đầu tư và hình thành các cơ sở sản xuất để khẳng định vị thế, trong đó ưu tiên tập trung chính vào ba mặt hàng có thế mạnh: Thủ công mỹ nghệ; hạt điều; gạo. Trong đó, đã đầu tư tổng kho gạo và cơ sở xay xát gạo tại tỉnh Đồng Tháp; nhà máy chế biến điều của Công ty CP Xuất nhập khẩu điều Việt Hà với dây chuyền sản xuất được chuyên gia Mỹ đánh giá hiện đại nhất Việt Nam,....
Ngoài công tác xuất khẩu, Tổng công ty còn chú trọng đến công tác phát triển thị trường nội địa, mở rộng mạng lưới thương mại trên cả nước, xuất phát điểm từ hệ thống kinh doanh thương mại truyền thống có cơ sở hạ tầng thương mại lạc hậu, nhỏ lẻ, bố trí phân tán, trải rộng... Sau 10 năm thành lập, Tổng công ty đẩy mạnh công tác phát triển về cơ sở hạ tầng; sắp xếp, cơ cấu nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống hạ tầng thương mại sẵn có; ưu tiên phát triển mở rộng hệ thống Trung tâm thương mại như chuỗi Siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart; chuỗi Cửa hàng rau, thực phẩm an toàn Haprofood, các Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối, hệ thống các cửa hàng …. và mở rộng, phát triển lĩnh vực phân phối, hình thành các mô hình Tổng đại lý, Trung tâm phân phối và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Nhờ làm tốt công tác liên kết giữa các đơn vị kinh doanh nội địa trong Tổng công ty, nên tình hình kinh doanh trong nước đã có nhiều khởi sắc. Lãnh đạo các công ty thành viên tích cực đẩy mạnh chương trình tập trung đầu mối đàm phán thu mua, phát triển nguồn hàng, đảm bảo tận dụng tối đa lợi thế để phát triển quy mô của Tổng công ty. Hình thành các cơ sở sản xuất vệ tinh, xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu Hapro, đa dạng hóa các chủng loại, mặt hàng trong hệ thống kinh doanh nội địa, đồng thời tiết kiệm được chi phí mua hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty thành viên.
Bên cạnh đó, công tác phát triển nguồn hàng cũng được Tổng công ty quan tâm tạo nguồn vốn cho thị trường nội địa, đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh nội địa của các Công ty thành viên. Tập trung vào công tác tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý và hoạt động kinh doanh tại hệ thống mạng lưới các địa điểm, theo hướng tinh giảm đội ngũ gián tiếp, tăng cường lao động trực tiếp, đồng thời gắn quyền lợi với hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tập trung quảng bá hình ảnh thương hiệu của Tổng công ty và giới thiệu sản phẩm của các đơn vị tới khu vực miền Trung, Tây Nguyên, qua đó tạo kênh phân phối kết nối hàng hóa hai chiều Bắc - Nam với các sản phẩm chính như: Gạo, thủy hải sản, hoa quả đặc sản của các vùng miền,...
Trong điều kiện tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và cung cấp các sản phẩm dịch vụ, do đó Tổng công ty đã tập trung và chú trọng đến nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm truyền thống như Rượu Hapro, Rượu Vang Thăng Long, Kem Thủy Tạ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quần áo thời trang... và các sản phẩm dịch vụ như Hapro Travel, Cosmos Plaza, Hapro Bốn Mùa. Đồng thời, thực hiện mọi biện pháp để tiết kiệm chi phí trong quản lý, SX-KD. Qua đó, để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút khách hàng; từng bước tăng tỷ trọng các sản phẩm và tiêu dùng nội bộ trong các hệ thống phân phối bán lẻ của Tổng công ty và cung ứng, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu; Tiếp tục xây dựng, nâng cấp các điểm kinh doanh, đảm bảo văn minh thương mại, phát huy thế mạnh, khẳng định thương hiệu và uy tín của Hapro cùng các thương hiệu nhánh Hapromart, Haprofood và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước và tới 22 quốc gia.
Trải qua 10 năm hình thành và phát triển đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình suy thoái, khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao, đúng hướng của ban lãnh đạo Tổng công ty cùng sự nỗ lực, cố gắng của tập thể CBCNV các đơn vị thành viên, Hapro đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Về quy mô và các chỉ tiêu kinh tế: Từ 23 Công ty thành viên lên 44 Công ty thành viên (tăng 1,9 lần); Tổng doanh thu 10 năm ước đạt 69.846 tỷ đồng (tăng 2,9 lần); kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 2.597 triệu USD (riêng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 tăng 4,6 lần; từ 49 triệu USD lên 225% triệu USD); Lợi nhuận trước thuế ước đạt 534 tỷ đồng (tăng 2 lần); Nộp ngân sách Nhà nước khoảng 2.418 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hơn 7.000 CBCNV với thu nhập bình quân của lao động kỹ thuật đạt 6.078.000 đồng/người/tháng, lao động giản đơn giản 3.160.000 đồng/người/tháng.
Thị trường xuất khẩu của Hapro được mở rộng tới trên 70 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ trên Thế giới. Phát triển mở rộng khách hàng tại thị trường Mỹ, Srilanka, Canada, Israel, châu Phi, khu vực Đông Âu với các mặt hàng: Mây tre đan, sợi móc, dây nhựa, hạt điều, mành tăm, nhựa PE... Thị trường nội địa, hệ thống hạ tầng thương mại nội địa của Tổng công ty đã phát triển gồm: 02 Trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre; 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart; 44 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood; 03 Trung tâm kinh doanh chợ/chợ đầu mối và trên 100 cửa hàng chuyên doanh điện, điện máy, điện dân dụng, may mặc,…. Tại thủ đô Hà Nội, đưa vào khai thác, sử dụng một số dự án lớn như: Trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê của Tổng công ty tại 11B Cát Linh; Dự án Siêu thị Rượu và Thực phẩm nhập khẩu tại 11C Cát Linh,... trong đó đã đưa dự án Nhà máy giết mổ Gia súc gia cầm và chế biến thực phẩm vào vận hành. Một số tỉnh thành phía Bắc có hệ thống tổng đại lý, đại lý và 08 trung tâm phân phối tại các tỉnh thành: Hà nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La, Đà Nẵng.
Ngoài việc vừa phải đảm bảo tốt kinh doanh, đồng thời, Hapro còn phải thực hiện chủ trương chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần, thoái vốn nhà nước theo quy định của Chính phủ và UBND Thành phố. Tổng công ty đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác sắp xếp đổi mới, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đến nay đã hoàn thành công tác cổ phần hóa đối với 01 đơn vị trực thuộc, cơ bản hoàn thành cổ phần hóa đối với 04 Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước và thoái bớt phần vốn Nhà nước tại 02 Công ty cổ phần và thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại 07 Công ty cổ phần. Tổng công ty cũng đang tích cực triển khai các thủ tục cần thiết để thực hiện cổ phần hóa 02 Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước còn lại, đồng thời tiến tới thực hiện CPH đối với Công ty Mẹ - Tổng công ty dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
Cùng với sự phát triển và tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua, Tổng công ty đã được trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen và giải thưởng như: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ “Vì sự nghiệp Phát triển Thủ đô”; Huân chương Lao động hạng Ba; Giải thưởng “Đơn vị xuất khẩu uy tín”; giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu Hà Nội vàng; Giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam; Giải thưởng “Top Trade Service” của Bộ Công Thương... Bằng khen của UBMTTQ TP Hà Nội về thành tích xuất sắc 5 năm thực hiện cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hàng trăm giải thưởng, bằng khen khác.
Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đang tập trung phát triển đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong toàn Tổng công ty phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của Hapro; Xây dựng thành công 05 mặt hàng xuất khẩu gồm: Gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, thủ công mỹ nghệ, nhằm đạt mức tăng trưởng bình quân 10-15%/năm; phấn đấu doanh thu năm 2020 đạt 12.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 560 triệu USD và phát triển được 50 Công ty thành viên, sử dụng 8.000 lao động trực tiếp và tạo việc làm cho 100.000 lao động gián tiếp với thu nhập bình quân đạt 9,3 triệu đồng/người/tháng; Đồng thời, tiếp tục đổi mới, hoàn thành công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các đơn vị thành viên, cơ cấu lại bộ máy tổ chức quản lý của Công ty Mẹ và các Công ty thành viên, nhằm xây dựng mô hình Tổng công ty đa ngành, với chuyên môn hóa cao cả về quản lý và điều kiện phương tiện làm việc cùng chính sách phát triển nguồn nhân lực; phấn đấu vượt qua thách thức, khó khăn để phát triển Tổng công ty trở thành thương hiệu hàng đầu trong khu vực và quốc tế.
Hoàng Lợi