Thứ Sáu, 22/11/2024 11:52:29 GMT+7
Lượt xem: 4422

Tin đăng lúc 25-03-2015

Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ ngày 16/3/2015 đến ngày 22/3/2015

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng làm việc với Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Ốt-xtrây-li-a Andrew Robb; Hội thảo Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động; Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA)... là hoạt động nổi bật của ngành Công Thương diễn ra trong tuần qua.
Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ ngày 16/3/2015 đến ngày 22/3/2015

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng làm việc với Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Ốt-xtrây-li-a Andrew Robb

 

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngày 18 tháng 3 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Ốt-xtrây-li-a Andrew Robb tại Thủ đô Canberra, Ốt-xtrây-li-a.

 

Phát biểu tại tại buổi làm việc, về năng lượng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị phía Ốt-xtrây-li-a ủng hộ các doanh nghiệp nước này nghiên cứu khả năng triển khai hợp tác đầu tư Dự án xây dựng cảng và kho chứa, cung cấp khí LNG phục vụ phát điện tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy ký kết các hợp đồng cung cấp than dài hạn phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của các nhà máy điện Việt Nam trong thời gian tới. Về lĩnh vực thương mại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị phía Ốt-xtrây-li-a quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và không đặt ra thêm những hàng rào kỹ thuật mới, mang tính kỳ thị đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Ốt-xtrây-li-a; khẩn trương hoàn tất quy trình cấp giấy phép nhập khẩu cho mặt hàng quả vải của Việt Nam cũng như sớm triển khai quy trình tương tự đối với các loại trái cây khác của Việt Nam, tạo thuận lợi về kiểm dịch đối với mặt hàng tôm đông lạnh.

 

Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Ốt-xtrây-li-a bày tỏ rất quan tâm và cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp nước này xử lý những vấn đề phía Việt Nam nêu liên quan đến hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Bộ trưởng Andrew Robb cũng cho biết, việc cấp giấy phép nhập khẩu cho quả vải Việt Nam cũng đã được ông trao đổi kỹ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ốt-xtrây-li-a và sẽ sớm có kết quả trong thời gian tới. Bộ trưởng Andrew Robb cũng cho rằng, Ốt-xtrây-li-a không muốn đưa ra những dự luật có nội dung trái với quy định của WTO, gây khó khăn cho hàng nhập khẩu nói chung, hàng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng.

 

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động của chuyến thăm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tiếp và làm việc với các tập đoàn lớn về năng lượng, công nghiệp của Ốt-xtrây-li-a cũng như tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ốt-xtrây-li-a với chủ đề “Hợp tác cùng phát triển” (Rising up together).

 

Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động

 

Ngày 18/3/2015, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội thảo Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng đạt diện các doanh nghiệp tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

 

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có nhiều chính sách mang tính định hướng của Nhà nước, cũng như có biện pháp tích cực và quyết liệt của Chính phủ nhằm tiếp tục phát triển TMĐT. Đồng thời đã có những chính sách phát triển cơ sở hạ tầng cho TMĐT, tạo điều kiện thuận lợi nhằm ứng dụng công nghệ, công nghệ di động để phục vụ cho TMĐT. Tuy nhiên, TMĐT cũng như TMĐT trên nền tảng di động cũng đang đặt ra bài toán về nhưng vấn đề giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với những thay đổi rất nhanh chóng về mặt công nghệ cũng như thay đổi về mặt nhận thức, quan điểm và cả về mô hình quản lý và tổ chức về dịch vụ liên quan đến hoạt động TMĐT. Chính vì vậy, phát triển TMĐT rất cần những giải pháp lớn như các giải pháp liên quan đến chính sách, khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có những tương tác trên nền tảng TMĐT nói chung và trên di động nói riêng.

 

Báo cáo tổng quan về TMĐT trên nền tảng di động, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương khẳng định: Thương mại điện tử trên nền tảng di động là hướng phát triển tất yếu trong TMĐT. Theo đó, hiện nay theo số liệu thống kê, 1/3 tổng số thời gian online trên thiết bị di động; 58% lượng truy cập từ 18h – 23h trên thiết bị di động. Các dịch vụ ngân hàng – thanh toán, dịch vụ tương tác, dịch vụ nội dung số, ứng dụng, trò chơi, quảng cáo, mua sắm qua thiết bị di động đang trở thành một trào lưu, một xu hướng phổ biến bởi tính thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng. Đặc biệt đặc tính định vị của điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức giao dịch TMĐT.

 

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện các Bộ, ngành liên quan đã chia sẻ về bối cảnh cạnh tranh trên nền tảng di động tại Việt Nam; lợi ích của việc ứng dụng nền tảng di động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; xu hướng đầu tư thiết bị thông minh trong phát triển TMĐT trên nền tảng di động; vấn đề thuế trong TMĐT ,v.v...

 

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA)

 

Ngày 20/3/2015, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tại cuộc tọa đàm,Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, đến nay, Việt Nam đã ký và tham gia 8 FTA, trong đó có 6 hiệp định mang tính khu vực như: Asean- Trung Quốc, Asean – Hàn Quốc, Asean -  Nhật Bản…, còn lại 2 hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam – Chi Lê. Có thể thấy, các FTA tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Á, với các đối tác lớn: EU, Hoa Kỳ, Nga, chưa có FTA nào được kết. Việt Nam đang tiến hành đàm phán 7 FTA: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU), FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan, Hàn Quốc, v.v… Trong đó, 2 hiệp định đã cơ bản hoàn tất vào là FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan, Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - EU cũng đang có tín hiệu khả quan. FTA đem lại cơ hội mới cho DN, cụ thể như việc các nước xóa bỏ thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của DN tăng lên và khi DN trở thành “mắt xích” trong chuỗi này thì khả năng ổn định sản xuất sẽ lớn hơn nhiều việc họ tự tham gia thị trường. Khi môi trường kinh doanh được hoàn thiện, kết hợp cùng cơ hội mới sẽ giúp thúc đẩy đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo ra năng lực sản xuất mới. FTA cũng giúp Việt Nam kiện toàn bộ máy Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương cũng như trách nhiệm của quan chức Nhà nước.

 

Đối thoại trực tuyến

 

Liên quan đến vấn đề các hiệp định này có bị chồng lấn nhau và có sự xung đột lợi ích hay không, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Chính phủ đã rút kinh nghiệm trong quá trình đàm phán FTA trước đây nên chỉ đạo xây dựng chiến lược đàm phán FTA mới rất sớm. Theo đó, đưa ra các nguyên tắc chủ đạo về lựa chọn đối tác; đạt bằng đuợc lợi ích gì và chấp nhận thách thức nào, thách thức tới đâu và lộ trình như thế nào? Khi tham gia FTA thì FTA phải tạo ra lực đẩy cùng chiều với nỗ lực cải cách trong nước như: Cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách môi truờng kinh doanh, DNNN, v.v … Sau khi có nguyên tắc cơ bản, Việt Nam có sự nhất quán trong quá trình đàm phán. “Không lo ngại các hiệp định có sự chồng lấn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh đồng thời cho rằng, xung đột lợi ích luôn luôn xảy ra vì cơ hội ngành này có thể là thách thức của ngành khác và ngược lại. Điều này thường xuyên xuyên xảy ra trong nền kinh tế dù Việt Nam có tham gia FTA hay không. Tuy nhiên, tổng hòa lại, lợi ích tĩnh vẫn lớn.

 

Chia sẻ về tiến trình đàm phán TPP và FTA Việt Nam - EU, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, TPP dự kiến kết thúc trong 6 tháng đầu năm 2015 nhưng quá trình đàm phán vẫn còn nhiều thách thức. Việt Nam đang rất nỗ lực nhưng điều này không chỉ phụ thuộc vào riêng nước ta. FTA Việt Nam – EU là đàm phán song phương, hai bên đang rất nỗ lực đàm phán, cơ hội kết thúc đàm phán trong 6 tháng đầu năm là khả quan.

 

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp Đoàn Doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN

 

Ngày 18/3/2015, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh đã tiếp đón Đoàn Doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại trụ sở Tập đoàn

 

Trong buổi tiếp, Lãnh đạo hai bên đã cập nhật thông tin về các lĩnh vực đang hợp tác và trao đổi về khả năng hợp tác trong tương lai. Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Khánh khẳng định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn ghi nhận các đối tác Hoa Kỳ là đối tác quan trọng, đánh giá cao hợp tác giữa hai bên trong tổng thể quan hệ chung hợp tác giữa hai nước. Tập đoàn đã thiết lập quan hệ hợp tác với một số đối tác hàng đầu Hoa Kỳ từ hơn 20 năm qua. Hiện nay hợp tác giữa Tập đoàn với các đối tác Hoa Kỳ được triển khai trong tất cả các lĩnh vực then chốt của ngành công nghiệp dầu khí bao gồm tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, khí, điện, dịch vụ dầu khí.

 

 

Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Khánh bày tỏ mong muốn Tập đoàn và các đối tác Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực then chốt của Tập đoàn, thúc đẩy các dự án hợp tác hiện tại với ExxonMobil, Murphy, GE và các khả năng hợp tác trong tương lai tại Việt Nam, Hoa Kỳ và ở nước thứ ba. Tổng Giám đốc Tập đoàn đồng thời đề nghị USABC, với vai trò, uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Tập đoàn trong quá trình xúc tiến đầu tư của Tập đoàn tại Hoa Kỳ cũng như tại Việt Nam, thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa hai bên, hợp tác chặt chẽ trên cơ sở chia sẻ khó khăn và cùng có lợi để cùng vượt qua các thử thách, kiên trì đạt được mục tiêu hiệu quả công việc, góp phần tích cực và có ý nghĩa sâu sắc trong việc phát triển quan hệ hợp tác song phương về lâu dài giữa hai cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và hai nước nói chung.

 

Lãnh đạo USABC đã nêu những thành tựu nổi bật của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam trong 20 năm qua. Phía Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh quan tâm của ExxonMobil hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong dự án khai thác khí ở mỏ Cá Voi Xanh, khẳng định cam kết của ExxonMobil và nêu những điều kiện cần thiết để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, một số công ty như GE, Halliburton, Caterpillar quan tâm đến việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho các dự án năng lượng dầu khí tại Việt Nam. Autodesk mong muốn tham gia tối ưu hoá các dự án xây dựng hạ tầng trong ngành dầu khí bằng các phần mềm thiết kế và quản lý dự án chuyên dụng. AIG quan tâm tìm hiểu khả năng hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm với PVI, đơn vị thành viên của Tập đoàn, v.v...

 

Đối thoại chính sách than Việt Nam - Nhật Bản

 

Ngày 18/3/2015, tại Quảng Ninh, Bộ Công Thương (Việt Nam) và Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp (Nhật Bản) đã tổ chức buổi đối thoại chính sách than Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 3.

 

Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hai bên đã thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm góp phần nâng cao tính hiệu quả của hợp tác song phương giữa hai Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp. Các nội dung được đề cập là: trao đổi chính sách và kế hoạch phát triển than - điện của hai quốc gia; hợp tác về thương mại và phát triển than; chính sách cho các nhà máy nhiệt điện đốt than; hợp tác về công nghệ than sạch; triển vọng và đề xuất hợp tác trong lĩnh vực than. Tại buổi đối thoại, Tập đoàn TKV đã trao đổi các nội dung về thương mại than Anthracite giữa VINACOMIN và Nhật Bản, thực trạng cung - cầu than của Việt Nam; chuyển giao công nghệ khai thác; hợp tác đào tạo; thăm dò và phát triển mỏ than; công tác môi trường, phủ xanh bãi thải than tại mỏ Núi Béo, v.v...

 

 

Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác chiến lược; chia sẻ, hỗ trợ kinh nghiệm trong lĩnh vực than - điện, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai bên vì sự phát triển bền vững trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã  hội của hai quốc gia.

 

Vinatex thành lập Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại Tp. HCM

 

Sáng 19/03/2015 tại TP. HCM, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã công bố quyết định chuyển đổi Cơ quan Văn phòng Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại TP. HCM thành Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại TP. HCM và công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các ban chức năng.

 

 

Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đơn vị trực thuộc  của Tập đoàn. Chi nhánh hoạt động theo quy định của pháp luật, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại TP. HCM. Chi nhánh có tư cách pháp nhân không đầy đủ theo pháp luật Việt Nam, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng.

 

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng giám đốc Lê Tiến Trường cho biết, để phù hợp với mô hình hoạt động mới, Tập đoàn quyết định chuyển đổi Cơ quan Văn phòng Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VP2) tại TP. HCM  thành Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại TP. HCM nhưng nhiệm vụ, chức năng không thay đổi. Việc chuyển đổi từ văn phòng hành chính, tham mưu sang thành văn phòng vừa tham mưu, giám sát vừa thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh là quan điểm then chốt của Tập đoàn. Trong thời gian tới nhiệm vụ hết sức nặng nề của mô hình hoạt động mới sau khi Tập đoàn cổ phần, vì vậy mong các đồng chí vừa được bổ nhiệm và toàn thể CBVN tiếp tục nỗ lực học tập, cập nhật kiền thức, nâng cao năng lực công tác… để bước sang một giai đoạn làm việc mới năng động hơn, nhiệt huyết hơn, nhiều cơ hội thể hiện năng lực của mình, trở thành hạt nhân nòng cốt của các dự án mới của Tập đoàn đã và sẽ đầu tư trong tương lai, góp phần đưa Tập đoàn Dệt May Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang