Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua đã đạt 473,7 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 241,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Việc kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 500 tỷ USD trong tháng 12 này được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là hoàn toàn khả thi. Trước đó, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 400 tỷ USD vào năm 2017.
Về cơ cấu, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước tăng trưởng khá mạnh với mức 18,1% nhưng so với kim ngạch tăng chỉ 3,8% so với cùng kỳ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể thấy, sức mạnh của nền kinh tế đang phải dựa khá nhiều vào khối doanh nghiệp này.
Khối này nắm trong tay tới 166,7 tỷ USD trị giá xuất khẩu. Khối FDI chỉ chi 134,1 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa và đạt mức xuất siêu 32,6 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước bị "âm nặng" với nhập siêu tới 23,5 tỷ USD.
Đặc biệt, nếu như năm 2010, chỉ có 20 mặt hàng cán mốc xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đến năm 2015, con số này là 23. Nhưng chưa hết năm 2019, đã có tới 31 mặt hàng. Không những thế, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD giờ không chỉ là các mặt hàng công nghiệp mà đã mở rộng sang những mặt hàng nông sản, thủy sản - nhóm hàng vốn có các điều kiện gia tăng giá trị khó khăn hơn.
Dự báo năm 2019 sẽ tiếp tục là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với cán cân thương mại đạt mức cao khoảng 9 tỷ USD. Điều này giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế.
Công tác đàm phán mở cửa thị trường được tập trung triển khai suốt thời gian qua. 16 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, trong đó, 12 hiệp định đang có hiệu lực. Gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra nhiều thị trường mới, có sự tăng trưởng cao.
Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết.
Việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cắt giảm thủ tục hành chính, tiếp cận thị trường toàn cầu theo hướng hiện đại, cũng tích cực đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay.
Theo Thời Báo Ngân Hàng