Tại buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trụ sở Công ty Dreamplex (tại Quận 1, TPHCM), chiều 24/5, Tổng thống Barack Obama cho rằng, động lực thật sự cho sự phát triển của Việt Nam và TP.HCM là tinh thần kinh doanh. Kinh doanh là xây dựng doanh nghiệp, kiếm lợi nhuận, đồng thời tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm mới, nghĩ ra cách để giúp đỡ người khác.
Tất nhiên, ông Obama nhấn mạnh “làm một doanh nhân không dễ. Ở Mỹ, Việt Nam hay bất cứ đâu cũng vậy, đặc biệt là với phụ nữ. Đó cũng là lý do chúng ta phải tiếp cận mọi tài năng trong xã hội”.
Đặc biệt, khi giao lưu với đại diện một số doanh nghiệp trẻ, Tổng thống Obama đã chủ động đặt nhiều câu hỏi về chuyện khởi nghiệp kinh doanh của nữ giới, về phát triển nông nghiệp, về hạ tầng số cho thương mại….
Mục tiêu của nông dân Việt Nam là gì?
Đối với chuyện khởi nghiệp kinh doanh của nữ giới, Tổng thống Obama đặt câu hỏi với Hằng Đỗ (Phó giám đốc phát triển kinh doanh và đối ngoại tại Seedcom) về những khó khăn khi là một doanh nhân và nhà đầu tư nữ ở Việt Nam, và tại thời điểm này, nếu nói về dự định đầu tư thì đó sẽ là lĩnh vực gì?
Đáp lời, Hằng Đỗ khẳng định chưa từng nghĩ làm một doanh nhân nữ ở Việt Nam là bất lợi. “Bởi vì từ kinh nghiệm và quan sát thực tế, tôi rất tự hào khi nói rằng ở Việt Nam phụ nữ được đối xử công bằng và được tạo rất nhiều cơ hội, nên bạn có thành công hay không là do chính bản thân bạn”.
Hằng Đỗ cũng cho biết, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản nhiều nhất thế giới, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư chưa được tận dụng ở lĩnh vực này, khi nó vẫn còn là một lĩnh vực công nghệ thấp và năng suất thấp. Vì thế dự án mà Hằng Đỗ đang chú tâm ở giai đoạn này là về nông nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng thống Obama đánh giá phần lớn Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp. Ông đặt câu hỏi: “Liệu mục tiêu của nông dân Việt Nam là gì? Bán nông sản ra thị trường với giá tốt hơn, nhanh hơn, hay muốn tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn thay vì chỉ tập trung vào gạo? Hay là tất cả các ý trên?”.
Hằng Đỗ cho rằng, mục tiêu của nông dân Việt Nam là tất cả các ý mà Tổng thống Obama vừa nêu. Bản thân việc kinh doanh về nông nghiệp của chị Hằng cũng có 2 ý chính: Áp dụng công nghệ vào nông nghiệp; tăng giá trị của sản phẩm thông qua tăng giá trị thương hiệu.
Chính phủ có thể giúp cải thiện cơ sở hạ tầng
Ông Obama còn hỏi về những khó khăn trong việc xây dựng một nền tảng kỹ thuật số cho thương mại ở Việt Nam. Chính phủ hai nước có thể giúp gì cho các doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi này, Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc quản lý tại Adayroi.com, nói: “Hãy tưởng tượng một bà mẹ làm việc từ 9g đến 16g, rồi lại phải chạy tới chợ mua đồ nấu cơm tối, sẽ phải mất hàng giờ. Nếu bà ấy có thể ngồi ở văn phòng và đặt hàng nguyên liệu nấu cơm tối qua mạng, khi về chỉ việc nấu, thì mỗi ngày tiết kiệm 1 giờ. Trong 20 năm sẽ tiết kiệm được gần 1 năm. Đó là tầm nhìn của chúng tôi. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nên tôi nghĩ Chính phủ có thể giúp cải thiện cơ sở hạ tầng”.
Còn về hạ tầng kỹ thuật số, Uyên Vy đánh giá: “Nó đang tốt dần lên. Ba năm trước khi tôi vừa khởi nghiệp, rất khó để khiến mọi người lên mạng, nhưng giờ thì rất dễ. Chúng tôi có thể học tập từ những công ty như Amazon, nhưng đôi lúc cũng phải tự tìm giải pháp cho riêng mình vì điều kiện hai nước không giống nhau”.
Hy vọng thêm nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam
Đề cập đến nguồn vốn cho đầu tư kinh doanh, Tổng thống Obama đặt câu hỏi: “Các công ty khởi nghiệp ở đây tự vận động vốn hay vay vốn từ ngân hàng? Các ngân hàng có tạo điều kiện vay vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không? Hay phải có thế chấp bằng các khoản tiết kiệm của gia đình?”.
Trả lời câu hỏi này, Lê Hoàng Uyên Vy cho biết: Ở Việt Nam rất khó tiếp cận nguồn vốn vay sớm, vì các nhà đầu tư thường muốn đầu tư vào các công ty đã có uy tín nhất định. “Hi vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam để giúp chúng tôi phát triển các doanh nghiệp mới”.
Tổng thống Obama còn hỏi: Doanh nghiệp ở Mỹ và Việt Nam khác nhau ở điểm nào? Với riêng Microsoft, đối tượng khách hàng chính của công ty bạn là những doanh nghiệp lớn hay cũng có những doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ hơn?”.
Khoa Phạm, Giám đốc pháp lý và hoạt động doanh nghiệp Microsoft, trả lời: “Tôi nghĩ không có thị trường nào tốt hơn Việt Nam để hiện thực hóa những tầm nhìn của Microsoft, vì Việt Nam có những doanh nhân trẻ, phát triển Internet, hạ tầng di động”.
Hiệp định TPP sẽ được thông qua
Đặc biệt, Khoa Phạm hỏi lại Tổng thống Obama: “Trong bài phát biểu đầu giờ, ngài có nhắc đến TPP. TPP rất quan trọng với Việt Nam và được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ, kể cả công ty chúng tôi, nhưng những doanh nghiệp Mỹ lại có xu hướng phản đối TPP. Ông sẽ làm thế nào để thông qua TPP ở Mỹ?”.
Tổng thống Obama trả lời: “Từ quan điểm của Mỹ, TPP là một điều đúng đắn phải làm. Tôi tự tin TPP sẽ được thông qua, vì trong quá khứ đã có những hiệp định thương mại vấp phải phản đối nhưng cũng được thông qua. Hơn nữa, TPP có những điều khoản về bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường mà những hiệp định trước không có, nên tôi tin TPP sẽ được thông qua ở Mỹ”./.
Tổng thống Obama thừa nhận, không chỉ ở VN mà cả ở Mỹ và nhiều nước khác, khởi nghiệp luôn gặp phải vấn đề thách thức về vốn, con người, môi trường kinh doanh…Ông khẳng định thông qua các chương trình hợp tác và đầu tư, Mỹ sẽ góp phần hỗ trợ về vốn, giáo dục, kỹ năng, mạng lưới kết nối…cho cộng đồng doanh nhân VN, đặc biệt là doanh nhân trẻ khởi nghiệp. “Tôi tin vào các bạn. Mỹ tin tưởng vào các bạn và chúng tôi sẽ cố gắng đầu tư vào sự thành công của các bạn”, ông khẳng định.
Theo Xuân Thân/VOV.VN