Đây là năm thứ 14 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2020.
Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 dự kiến được tổ chức vào ngày 08 tháng 01 năm 2021 tại TP. Hà Nội.
Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn.
Bảng 1: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020
Bảng 2: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2020
Bảng xếp hạng VNR500 năm nay tiếp tục ghi nhận sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nhóm ngành Dịch vụ và Công nghiệp, chiếm hơn 97,3% tỷ trọng doanh thu năm 2019, nhóm ngành Nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng doanh thu khiêm tốn với 2,7%.
Một số ngành hàng chính vẫn tiếp tục giữ vững được vị thế trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020. Các ngành có tiềm năng tăng trưởng và tỷ trọng doanh thu lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 có thể kể đến bao gồm: ngành Tài chính, ngành Thực phẩm - Đồ uống, ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng - Bất động sản, ngành Viễn thông - Tin học - Công nghệ thông tin...
Doanh thu và tốc độ tăng trưởng doanh thu
Trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020, nhìn chung các ngành hàng đều có sự tăng trưởng doanh thu với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của toàn bộ khối doanh nghiệp đạt 12,52%. Trong đó có nhiều ngành đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, cao vượt trội so với mức trung bình của toàn bộ khối doanh nghiệp như ngành Cơ khí, ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng - Bất động sản, ngành Tài chính, ngành Vận tải - Logistics, ngành Viễn thông - Tin học - Công nghệ thông tin.
Một số chỉ tiêu về hiệu quả kinh doanh (ROA - ROE - ROS)
Xét về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay đều có sự chuyển biến tích cực so với Bảng xếp hạng năm 2019. Cụ thể, hiệu suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân của các doanh nghiệp VNR500 đạt 5,73%, chỉ số này đã cải thiện đáng kể so với mức 2,78% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019. Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 16,24% - tăng thêm 2,44% so với Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019. Ngoài ra, chỉ số hiệu suất sinh lời trên doanh thu (ROS) cũng tăng từ 6,32% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 lên mức 6,58% trong năm 2020.
Điểm đáng chú ý là trong các chỉ số trên, ngành Thực phẩm - Đồ uống đứng đầu về hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu (đạt ROA và ROE cao nhất, tương ứng đạt 10,43% và 21,97%). Mặt khác, trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay, ngành Tài chính vẫn giữ vị thế dẫn đầu về chỉ số ROS, đạt 13,01% (năm 2019 đạt 9,28%).
Một số điểm chính từ kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020
Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020, Vietnam Report đã thực hiện khảo sát các doanh nghiệp lớn nhằm tìm hiểu về tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian qua, những rào cản và thách thức mà các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt, cũng như các đề xuất, khuyến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp VNR500.
2020 - Một năm đầy biến động
Năm 2020, thế giới đã chứng kiến và trải qua rất nhiều biến động, điều này ảnh hưởng đến không chỉ các quốc gia đang phát triển và những nền kinh tế nhỏ mà ngay cả các cường quốc lớn cũng phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề. Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra hàng loạt các tác động nghiêm trọng: gần 46 triệu ca bệnh, hơn 1 triệu người tử vong, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp không ngừng gia tăng, doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng sản xuất...
Trong khảo sát do Vietnam Report thực hiện vào tháng 10 năm 2020, 24,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) 9 tháng năm 2020 tăng so với cùng kỳ 2019, 36,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD cơ bản ổn định và 39,0% doanh nghiệp cho biết hoạt động SXKD giảm đi. Mặt khác, cũng trong khảo sát này, khi được hỏi về biến động doanh thu 9 tháng đầu năm 2020, 41,5% doanh nghiệp cho biết doanh thu bị giảm so với cùng kỳ năm 2019, 43,9% doanh nghiệp đánh giá doanh thu tăng và chỉ có 14,6% doanh nghiệp cho rằng chỉ tiêu này là cơ bản ổn định.
Doanh nghiệp trong thời đại số
Chuyển đổi số không còn là khái niệm quá mới đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán nan giải đối với một số doanh nghiệp ngại đổi mới và chưa dám bứt phá. Ở một góc độ khác, khi nhìn vào thực tế, trong quá trình tiến hành chuyển đổi số, doanh nghiệp đã và đang gặp phải không ít khó khăn. Kết quả khảo sát được Vietnam Report tiến hành trong tháng 10 vừa qua cho thấy Top 5 rào cản doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số là: Nguồn vốn đầu tư lớn (61,5%); Đối tác kinh doanh chưa sẵn sàng hợp tác về các giải pháp số (42,3%); Không đủ nguồn nhân lực chất lượng cao (38,5%); Thiếu công cụ đảm bảo an ninh mạng và bảo mật dữ liệu (34,6%) và Thiếu các tiêu chuẩn, chứng chỉ, quy định, kinh nghiệm (32,7%).
Bước vào kỷ nguyên số, doanh nghiệp cần nhanh chóng bắt kịp xu thế mới, không chỉ đơn thuần là mô hình kinh doanh truyền thống hay áp dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô, mà ngày nay, mô hình kinh doanh Flatform (nền tảng) đang dần chiếm ưu thế và được ứng dụng rộng rãi hơn. Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp tối đa hóa nguồn lực, tăng cường vị thế cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, mà còn góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Trong thời đại siêu kết nối, cuộc đua số hóa sẽ chẳng chờ đợi bất cứ ai, các doanh nghiệp Việt Nam cần bứt tốc mạnh mẽ hơn nữa để giữ vững tên tuổi và vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.
Top 4 rào cản ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp trong năm 2020
Theo kết quả khảo sát được Vietnam Report tiến hành trong thời gian vừa qua, 4 rào cản ảnh hưởng nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp trong năm 2020 là: Thị trường bị thu hẹp, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng giảm do dịch COVID-19 (94,2%); Tăng trưởng kinh tế không ổn định (63,5%); Chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn (59,6%) và Gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng (57,7%).
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt và cuộc sống người dân dần đi vào ổn định kể từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, những hậu quả do COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế vẫn chưa kết thúc và các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nỗ lực vực dậy và phục hồi sau dịch. Theo Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 của Tổng cục thống kê, trong 10 tháng có gần 85,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, nghĩa là trung bình mỗi tháng có 8,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trên thực tế, những rào cản, thách thức như thị trường bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm, tăng trưởng kinh tế không ổn định, gián đoạn, đứt gãy nguồn cung ứng đều xuất phát từ sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Đây là rủi ro mà không doanh nghiệp nào có thể lường trước. Vì vậy, khi đối mặt với biến cố lớn, đa phần các doanh nghiệp đều rơi vào trạng thái bị động và phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tại thời điểm dịch vừa diễn ra. Tuy nhiên, khảo sát mới đây được Vietnam Report tiến hành cho thấy đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp VNR500 đã thực hiện một số chiến lược nhằm ứng phó trước những tác động tiêu cực trong dịch và phục hồi sau dịch.
Top 5 chiến lược ứng phó trong dịch và phục hồi sau dịch
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, Top 5 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp trong năm 2020: 90,4% doanh nghiệp quyết định Tăng cường đào tạo nhân viên, tối đa hóa nguồn nhân lực; 86,5% doanh nghiệp lựa chọn Giảm thiểu chi phí; 73,1% doanh nghiệp thực hiện Tăng cường ưu thế cạnh tranh; 53,8% doanh nghiệp Tăng cường nguồn vốn cho ứng dụng công nghệ và kĩ thuật số và 42,3% doanh nghiệp Đẩy mạnh trải nghiệm khách hàng.
Bên cạnh đó, Vietnam Report cũng ghi nhận những phản hồi đánh giá về kỹ năng của nhân viên tại các doanh nghiệp trong thời đại số, cụ thể như: Nền tảng về công nghệ thông tin; Khả năng sử dụng công nghệ tự động hóa; Khả năng phân tích dữ liệu; Khả năng bảo mật thông tin/an ninh dữ liệu; Tư duy hệ thống, hiểu biết quá trình,... Theo đó khoảng 40% nhân viên mới ở mức đáp ứng được yêu cầu, chỉ có khoảng 50% nhân viên ở mức tốt, còn lại là mức yếu. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp tiếp tục lựa chọn tăng cường đào tạo nhân viên là chiến lược ưu tiên trong năm 2020.
Thận trọng trong đầu tư
Bước qua khủng hoảng, các doanh nghiệp dần trở nên thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư kinh doanh. Có 58,1% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ dự kiến sẽ mở rộng đầu tư đối với lĩnh vực kinh doanh chủ lực hiện tại, 37,2% dự kiến giảm mức đầu tư kinh doanh xuống và 4,7% doanh nghiệp giữ nguyên quy mô hiện có.
Trong hai năm tới, 48,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát quyết định không mở rộng sang các dự án và lĩnh vực kinh doanh mới. Còn lại, trong số 51,2% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực mới, có 52,2% doanh nghiệp sẽ tiến hành tìm kiếm thị trường mới, 30,2% doanh nghiệp cho biết họ sẽ thực hiện các dự án liên doanh/liên kết và 11,6% doanh nghiệp sẽ thực hiện các dự án mua bán/sáp nhập (M&A).
Cơ hội từ dịch chuyển FDI
Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động và tại một số quốc gia, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát với số ca nhiễm vẫn ngày một tăng, các doanh nghiệp đa quốc gia đã và đang lên kế hoạch tìm kiếm “vùng đất mới” để đầu tư và phát triển. Với những nỗ lực được ghi nhận từ kết quả tăng trưởng dương trong suốt thời gian qua, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng - nơi được dự báo sẽ thu hút lượng lớn dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc.
Đứng trước cơ hội này, đa phần các doanh nghiệp VNR500 trong khảo sát mới đây cho biết họ đã có những chuẩn bị để tiếp cận dòng vốn FDI này. Theo đó, Top 3 chiến lược của doanh nghiệp trước cơ hội từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI là: Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, cải thiện năng suất và kỹ năng cho người lao động (81,4%); Tìm hiểu, nghiên cứu về tác động tiềm tàng của dòng dịch chuyển vốn FDI đối với hoạt động của doanh nghiệp mình (62,8%); Lên phương án mở rộng thị trường, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (55,8%).
Tăng cường các gói hỗ trợ và giảm lãi suất tín dụng: Những kỳ vọng từ phía doanh nghiệp
Với sự đồng hành của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong suốt thời gian vừa qua, kết quả bước đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan. Bên cạnh việc tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ban hành các Nghị quyết về việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, Chính phủ còn tiếp tục cải thiện về thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Chính vì vậy, các đề xuất khuyến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp VNR500 năm nay đã có những thay đổi đáng kể so với năm trước. Cụ thể, 76,7% doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế. Mặt khác, 74,4% doanh nghiệp kỳ vọng giảm lãi suất tín dụng; 67,4% doanh nghiệp cần Nhà nước tăng cường các biện pháp hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra. Ngoài ra, các chính sách về Cải thiện môi trường pháp lý; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và Cải thiện cơ sở hạ tầng vẫn đang được doanh nghiệp quan tâm khi lần lượt chiếm tỷ lệ 65,1%; 55,8% và 51,2% theo kết quả khảo sát được Vietnam Report tiến hành trong tháng 10 vừa qua.
Nếu như trong giai đoạn trước, khi phải đối mặt với khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, các doanh nghiệp đều đã tiến hành điều chỉnh chiến lược ưu tiên nhằm củng cố nội lực như cắt giảm chi phí hay tìm cách tối đa hóa nguồn nhân lực thì hiện nay, vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu là duy trì dòng tiền ổn định và cân đối thu - chi. Để đạt được điều này, không thể chỉ dựa vào nội lực của doanh nghiệp mà cần nhờ đến sự giúp đỡ từ phía Nhà nước và các Ngân hàng thông qua các gói hỗ trợ, ưu đãi và cho vay.
Với vai trò là đầu tàu dẫn dắt và định hướng, ngoài thế mạnh về tiềm lực tài chính và khai thác những nguồn lực nội tại, các doanh nghiệp lớn cần khẳng định vai trò và nâng cao vị thế hơn nữa thông qua việc ứng dụng, đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học - công nghệ. Dù thực tế, một số doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng khó khăn sau dịch, nhưng nhìn chung, kinh tế Việt Nam hiện nay được dự báo đạt mức tăng trưởng khả quan. Hi vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội trong khó khăn và bứt phá vươn lên, khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế, tiến tới mở rộng thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Vietnam Report