Ngày 3-4, tại TP HCM, Sở Công Thương TP HCM đã tổ chức làm việc với Sở Công Thương các tỉnh vùng Tây Nguyên và các doanh nghiệp (DN) phân phối, sàn thương mại điện tử, DN sản xuất khu vực Tây Nguyên để bàn giải pháp thực hiện chương trình kết nối cung cầu giữa TP HCM và khu vực này hiệu quả hơn, giúp khơi thông nguồn hàng hóa.
Tập trung kết nối trực tuyến
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thời gian qua dù TP HCM và các tỉnh dành tâm sức rất lớn nhưng các DN, HTX cung ứng hàng hóa chưa bám sát vào mục tiêu chính mà còn loay hoay chạy theo mục tiêu nhỏ. Tại hội nghị kết nối cung cầu hằng năm giữa TP HCM và các tỉnh, dù ban tổ chức bố trí khu vực kết nối B2B để các DN, HTX sản xuất gặp gỡ, chào hàng đến các hệ thống phân phối lớn, vẫn còn nhiều DN chưa thật sự quan tâm mà chỉ tập trung đưa hàng vào bán ở hội chợ.
Do đó, để nâng cao hiệu quả kết nối, tăng lưu thông hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên, chương trình kết nối cung cầu sẽ được triển khai đồng bộ, xuyên suốt cả năm thông qua 3 nhóm nội dung: kết nối cung cầu trực tuyến; hội nghị kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh (trực tiếp); kết nối theo mùa vụ, chuyên đề - kế hoạch tại TP HCM và các địa phương khu vực Tây Nguyên.
Trong đó, trọng tâm là kết nối cung cầu trực tuyến được thực hiện xuyên suốt cả năm. Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm được bình chọn Thương hiệu Vàng TP HCM, sản phẩm tiêu dùng, đặc sản các vùng miền, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), hàng nông sản an toàn... TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên sẽ ưu tiên kết nối đối với các DN cung ứng tham gia chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa TP HCM vừa triển khai; kết nối các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường thuộc các chuỗi cung ứng tuần hoàn; sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP… đạt chuẩn an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Đi vào triển khai cụ thể, với chương trình kết nối cung cầu trực tuyến, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP HCM, đề nghị các tỉnh hỗ trợ rà soát, sàng lọc các DN tiềm năng ở địa phương mình. Từ danh sách này, Sở Công Thương TP HCM sẽ phối hợp với các đơn vị kinh doanh trực tuyến chuyên nghiệp hướng dẫn DN xây dựng gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và website kết nối cung cầu, hướng dẫn vận hành trong 1-3 tháng, sau đó bàn giao lại nhà cung cấp.
"Các DN phân phối cần chủ động thông tin lên website kết nối cung cầu trực tuyến các nhu cầu về nguồn hàng, chủng loại hàng hóa để nhà cung cấp tiềm năng tìm hiểu, kết nối. Dự kiến trong quý II/2024, TP HCM sẽ tổ chức hội nghị triển khai kết nối cung cầu trực tuyến này" - ông Hùng nói.
Trao đổi tại hội nghị, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết Đắk Lắk có nhiều trái cây ngon, nông dân làm rất vất vả nhưng đến mùa thu hoạch lại khó tiêu thụ. Trái bơ là một ví dụ. "Các DN tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung rất có nhu cầu tiếp cận, kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản với TP HCM và các địa phương khác" - ông Khôi nói.
Bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, đề xuất đẩy mạnh kết nối theo chuyên đề. Làm sao cả nhà sản xuất, nhà phân phối cùng đổi mới, nâng cao trình độ, công nghệ… để phát triển thị trường, thị phần, phát triển chuỗi cung ứng hàng Việt bền vững.
Xây dựng vùng nguyên liệu
Cùng ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM cũng tổ chức hội nghị thảo luận, thống nhất nội dung triển khai hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa TP HCM với các tỉnh Tây Nguyên. Sau khi thảo luận, các bên đã tạm thời thống nhất trong năm 2024 sẽ có 3 sự kiện cấp vùng tổ chức tại TP HCM gồm: Lễ hội sâm và Hương dược liệu quốc tế (tháng 5); Hội chợ Triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao TP HCM (tháng 6) và Tuần lễ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng - miền và công nghệ sản xuất - bảo quản - chế biến nông sản (tháng 11). Dự kiến, tại các tỉnh cũng sẽ có 4 sự kiện cấp vùng diễn ra dưới sự phối hợp với Sở NN-PTNT TP HCM.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, cho biết sản xuất nông nghiệp của TP HCM chưa đủ cho nhu cầu thị trường trong khi các DN trên địa bàn có nhu cầu lớn về vùng nguyên liệu để mở rộng thị trường không chỉ trong và ngoài nước.
Do đó, TP HCM mong muốn kết nối các DN với các tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu thị trường, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Với thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, TP HCM hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên để chuyển giao công nghệ, tạo ra những vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đem lại lợi ích cho DN TP HCM và các tỉnh.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, nói rằng lĩnh vực nông nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm hợp tác giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên trên cơ sở tận dụng lợi thế 2 bên. Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung có đất rộng, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho trồng trọt và chăn nuôi phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy vậy, Gia Lai còn yếu về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và ít DN có tiềm lực, trong khi đây lại là thế mạnh của TP HCM, có thể hỗ trợ cho tỉnh. "Lâu nay, nông dân sản xuất chạy theo năng suất, sản lượng mà chưa tập trung vào chất lượng, hiệu quả kinh tế. Việc hợp tác vùng sẽ giúp giải được bài toán này" - ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, thông tin thời gian qua, địa phương và TP HCM đã hình thành được những mô hình phối hợp hiệu quả về tiêu thụ và gia tăng giá trị cho nông sản. "Tỉnh Kon Tum có lợi thế về cà phê, mắc ca, cây ăn quả, dược liệu (nổi bật là sâm Ngọc Linh)... Chúng tôi kỳ vọng TP HCM sẽ tiếp tục là đầu mối kết nối những DN có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường để nâng cao giá trị cho các sản phẩm này" - ông Liêm bày tỏ.
Theo nld.com.vn