Chủ Nhật, 24/11/2024 11:45:53 GMT+7
Lượt xem: 3093

Tin đăng lúc 23-04-2017

Tp. Hồ Chí Minh: Đổi mới, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực phát triển KH&CN

Trong bối cảnh tình hình mới, cần ưu tiên và tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, KH&CN, đổi mới sáng tạo.
Tp. Hồ Chí Minh: Đổi mới, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực phát triển KH&CN
Ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và UBND Tp.HCM

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh tại buổi Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2017 - 2020 giữa Bộ KH&CN và UBND Tp.HCM mới được diễn ra.

 

Cụ thể, theo Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2017-2020, hai bên sẽ phối hợp triển khai 7 nội dung chính: Thứ nhất, xây dựng Quy chế phối hợp tham vấn, hướng dẫn, ban hành những cơ chế, chính sách thí điểm nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy lĩnh vực KH&CN và ĐMST phát triển. Xây dựng và triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính, tín dụng cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố; Xây dựng cơ chế và thúc đẩy việc ra đời các Quỹ Đầu tư mạo hiểm.

 

Thứ hai, hai bên xây dựng Chương trình hợp tác Phát triển tiềm lực KH&CN giữa Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC Tp. HCM, đặc biệt hợp tác về đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, quản lý và chuyển giao công nghệ để nhằm phát huy tối đa điểm mạnh của các bên. Cụ thể, Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC Tp. HCM phối hợp để xây dựng, hoàn thiện chuẩn kỹ năng đánh giá nhân lực trên các lĩnh vực công nghệ cao, từng bước trở thành đầu mối triển khai đánh giá sát hạch nhân lực công nghệ cao cho cả nước; phối hợp xây dựng chương trình hợp tác phát triển về ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN, chia sẻ kinh nghiệm và các nguồn lực, đặc biệt các nội dung các bên cùng quan tâm như tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp hàng năm và khởi nghiệp dựa trên nền tảng IoT.

 

Thứ ba, phối hợp nghiên cứu đề xuất cơ chế, giải pháp đầu tư, nâng cấp Sàn giao dịch công nghệ Tp. HCM thành sàn giao dịch công nghệ quốc gia; phát triển Trung tâm Thông tin KH&CN của Sở KH&CN Tp. HCM thành Trung tâm Thông tin KH&CN phía Nam. Tiếp tục phối hợp tổ chức các chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) quy mô quốc gia, quốc tế và chuyên đề với Tp. HCM; Thúc đẩy các hoạt động đánh giá thực trạng cung cầu công nghệ trên địa bàn Thành phố; Tạo điều kiện kết nối hệ thống viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện nghiên cứu tại Thành phố với hạ tầng thông tin KH&CN tiên tiến (mạng VinaREN);...

 

Thứ tư, hai bên sẽ phối hợp xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Tp. HCM. Theo đó, hỗ trợ đào tạo cán bộ lãnh đạo của Sở KH&CN, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố về quản trị ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo; Chuyển giao một phần các công cụ, phương pháp, kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng trưởng cao và đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp từ các đơn vị, dự án ODA do Bộ chủ quản. Phối hợp phát triển Nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST quốc gia và khu vực Tp. HCM. Phối hợp hỗ trợ một số trường đại học đóng trên địa bàn Thành phố triển khai chương trình đào tạo khung về ĐMST và khởi nghiệp. Phối hợp thiết lập các khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và không gian làm việc chung cho khởi nghiệp ĐMST tại tòa nhà Saigon Innovation Hub và Trung tâm thông tin KH&CN phía Nam để tổ chức các sự kiện đào tạo, kết nối khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố, quốc gia và khu vực ASEAN.

 

Thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần tại địa phương và trong khu vực miền Nam để tập hợp nguồn vốn đầu tư, tạo kênh chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà đầu tư. Đồng thời phối hợp tổ chức các sự kiện hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ hoạt động phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn Thành phố.

 

Thứ năm, triển khai Chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, thông qua các chương trình đào tạo. Cụ thể, hợp tác chuyên môn nhằm đảm bảo hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trên địa bàn Thành phố trong việc xác lập quyền đối với các sáng chế; hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho một số sáng chế tiêu biểu của Thành phố. Phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức tập thể, các tổ chức KH&CN phát triển nguồn nhân lực quản trị tài sản trí tuệ nội bộ để có thể tự xây dựng, triển khai mô hình quản trị, định giá và phát triển tài sản trí tuệ; Xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đối với các tổ chức, các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố.

 

Thứ sáu, phối hợp phát triển Chương trình đổi mới thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. HCM. Theo đó, sẽ đánh giá tình trạng thiết bị, công nghệ và thống kê, sắp xếp thứ tự ưu tiên nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp; từ đó có những cơ chế, chính sách thí điểm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Phát triển, phổ biến công cụ (phần mềm) hỗ trợ doanh nghiệp tính toán tốc độ đổi mới công nghệ. Phối hợp tổ chức một số Hội thảo chuyên ngành nhằm xác định, xây dựng đề xuất đặt hàng, hình thành cụm nhiệm vụ KH&CN trọng tâm để giải quyết những vấn đề cấp bách của Thành phố và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm thương mại, công nghệ có ý nghĩa.

 

Thứ bảy, hợp tác phát triển trong lĩnh vực phát triển công nghiệp vi mạch. Hai bên sẽ phối hợp triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Tp. HCM thông qua các Chương trình Quốc gia do Bộ KH&CN chủ trì. Phối hợp nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn trên cơ sở đặt hàng thực hiện nhiệm vụ với Bộ KH&CN. Thành phố đảm bảo nguồn lực nhằm đối ứng với nguồn đầu tư từ các Chương trình Quốc gia cũng như khai thác và sử dụng một cách hiệu quả các kết quả hình thành từ những nhiệm vụ nêu trên. Các kết quả từ sự hợp tác này sẽ được sử dụng một cách đồng bộ và đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thành các mục tiêu của các Chương trình Quốc gia, Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Tp. HCM và những nhiệm vụ khác có liên quan.

 

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, đây là một cơ hội đẩy mạnh sự phối hợp về KH&CN giữa bộ và Tp. HCM, vốn đã được thực hiện qua nhiều giai đoạn, nhiều nhiệm kỳ. Hiện nay, trong bối cảnh tình hình mới, cần ưu tiên và tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, KH&CN, đổi mới sáng tạo.

 

"Với các nội dung ký kết, Bộ KH&CN mong muốn, Tp. HCM là đơn vị đi đầu thí điểm tháo gỡ thành công những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, để từ đó nhân rộng ra cả nước. Bộ cam kết tăng cường phối hợp thực hiện để đạt kết quả theo mục tiêu đặt ra" - Bộ trưởng nói.

 

Chủ tịch UBND Tp. HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ, để Tp. HCM từng bước trở thành trung tâm tài chính, thương mại, KH&CN của cả nước và khu vực Đông Nam á, thành phố rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của Bộ KH&CN, nhất là về cơ chế, chính sách, cơ chế phối hợp và cơ chế liên vùng để kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc.

 

Bản ký kết hợp tác này sẽ là cơ sở để hai bên trao đổi, phối hợp thực hiện, là nền tảng quan trọng để thành phố thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra, từ đó giải phóng mọi tiềm năng, khai thác hiệu quả nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, giải quyết được những bức xúc, trăn trở hiện nay của người dân.

 

Nguồn Vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang