Thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh
Một trong những công trình mang dấu ấn của TP Hồ Chí Minh, huy động sự đóng góp của cả chính quyền thành phố, đội ngũ các nhà quản lý có chuyên môn cao là Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP). SHTP đã tạo được sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghệ cao không chỉ cho khu vực phía nam mà cho cả nước nhờ các phong trào thi đua, lao động sáng tạo trong đội ngũ nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao. Qua 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay Ban quản lý SHTP đã cấp giấy phép đầu tư cho 130 dự án công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 6,5 tỷ USD. SHTP thu hút hơn 10 tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung...
Giá trị sản lượng sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp đã tăng trưởng đều đặn. Với 66 dự án đi vào hoạt động, đến cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất toàn khu đạt cột mốc 12 tỷ USD. Trưởng ban Quản lý SHTP Lê Hoài Quốc chia sẻ: Đóng góp của SHTP ngày càng tăng, dự kiến, đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 10% mức tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh. SHTP xác định phải liên tục phấn đấu và tranh thủ mọi cơ hội để đuổi kịp các khu công nghệ cao thành công trên thế giới trong phát triển sản phẩm. “Ban Quản lý cũng chú trọng đến nội hàm giá trị gia tăng cao của sản phẩm, tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng một khu công nghệ cao sinh thái, có môi trường đầu tư và phát triển công nghệ cao thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư dựa trên đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao”, đồng chí Lê Hoài Quốc khẳng định. Chính quyền thành phố kỳ vọng, SHTP sẽ phối hợp tốt với đối tác chiến lược là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ cao trong thành phố, nhất là ở khu vực quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 trong công tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực để hình thành mạng liên kết chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp, hình thành đô thị khoa học - công nghệ và giáo dục ở cửa ngõ phía đông bắc thành phố.
Nhiều gương điển hình, nhân tố mới đóng góp vào phong trào thi đua yêu nước của thành phố chính là những cán bộ trẻ có năng lực, chuyên môn, đạo đức. Bằng nhiệt huyết, trách nhiệm, họ đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, phục vụ cộng đồng và xã hội. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hà Phương, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh luôn tìm tòi, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhằm giúp các bác sĩ rút ngắn thời gian chẩn đoán, giảm số lượng xét nghiệm, tiết kiệm chi phí xét nghiệm cho người bệnh. Một trong những đề tài đột phá của bác sĩ Phương là “Đặc điểm giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch trong ung thư biểu mô tuyến của phổi”. Đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về việc áp dụng hệ thống phân loại giải phẫu bệnh mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về bướu phổi. Ngoài ra, bác sĩ Phương còn thực hiện nhiều đề tài hữu ích, có các sáng kiến, giải pháp trong công việc nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn, được Ban Giám đốc Bệnh viện đồng tình ủng hộ. Với những thành tích đóng góp cho đơn vị, bác sĩ Phương được vinh dự nhận danh hiệu: “Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2017”, đoạt Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần thứ năm.
Phong trào xây dựng nông thôn mới, đã giúp không ít gia đình ở nông thôn thoát nghèo và làm giàu chân chính. Được tuyên dương Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, chị Trần Thị Mỹ Trinh (sinh năm 1985, ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) vốn là công nhân Khu công nghiệp Tây Bắc, bằng ý chí tự lực, mày mò học hỏi đã vươn lên, có thu nhập ổn định khoảng 40 triệu đồng/tháng nhờ nghề trồng lan Mokara. Từ tháng 10-2009 đến nay, trên mảnh đất gia đình có diện tích gần 4.000 m2, với 1.150 gốc lan ban đầu, nay gia đình chị Trinh đã mở rộng lên 30.000 gốc, bán ra các tỉnh miền trung, miền bắc; kết nối, bao tiêu đầu ra cho các vườn lan nhỏ trên địa bàn xã cũng như các xã lân cận, một số hộ thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương. Không chỉ thành công với nghề trồng hoa lan Mokara, vườn lan của chị Trinh còn là mô hình thu hút rất nhiều người dân của thành phố đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Phong trào xây dựng nông thôn mới còn lan tỏa rộng ở toàn xã Tân Thông Hội khi gia đình chị Trinh là hộ đi đầu trong công tác hiến đất làm đường giao thông nông thôn, qua đó là tấm gương khích lệ người dân địa phương tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Nhiều mô hình thiết thực, tạo sức lan tỏa
Không ít phong trào thi đua tạo sự lan tỏa rộng khắp ở các ngành, các cấp, các đơn vị, tạo động lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở thành phố mang tên Bác. Nhiều phong trào thi đua khởi nguồn từ TP Hồ Chí Minh, có sự lan tỏa rộng lớn ra các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đến nay đã có hơn 850 tổ chức và hơn 1.100 doanh nghiệp được đào tạo về đổi mới sáng tạo, năng suất - chất lượng, quản lý năng lượng, quản trị tài sản trí tuệ. Năm 2017, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã có 5.099 sáng kiến đăng ký, trong đó có 1.663 sáng kiến hoàn thành được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, làm lợi 404,5 tỷ đồng.
Tại các sở, ban, ngành của thành phố, nhiều phong trào thi đua hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tăng cường công tác nghiên cứu tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển văn hóa xã hội, cải cách hành chính và bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh. Nổi bật là các phong trào: “Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính” của Sở Xây dựng; “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý” của Tòa án nhân dân thành phố; phong trào “Hiệu quả, kỷ cương, an toàn, quyết thắng” của Bộ Tư lệnh thành phố… Đánh giá về phong trào thi đua yêu nước của thành phố, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hơn 43 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã ra sức thi đua, tạo động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện, trở thành một đô thị lớn, có vai trò trung tâm về nhiều mặt của cả nước. Sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước không chỉ là khẩu hiệu mà chính là việc nêu gương, tôn vinh những con người, những tập thể tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; chú trọng tuyên truyền nhân rộng các mô hình, giải pháp, điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt một cách thường xuyên, liên tục, tạo sự lan tỏa rộng khắp trên mọi lĩnh vực và đời sống xã hội. Thành phố cũng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10, Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. |
Theo báo Nhân dân