Thứ Hai, 25/11/2024 17:13:47 GMT+7
Lượt xem: 3654

Tin đăng lúc 20-05-2016

TPP, Obama và cơ hội cho Việt Nam

Việt Nam và Mỹ luôn có chủ ý tăng cường quan hệ kinh tế kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Hai nước liên tiếp ký kết các hiệp định nhằm thúc đẩy thương mại song phương, đầu tư song phương nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư hai nước có thể tiến hành kinh doanh thuận lợi trên hai lãnh thổ hai nước.
TPP, Obama và cơ hội cho Việt Nam
Việt Nam dù xuất khẩu mạnh sang Mỹ cũng chỉ đứng thứ 27 trong tổng số các nước xuất khẩu vào Mỹ (Ảnh: Cty CP Đầu tư XNK Thăng Long – Thái Bình với nhiều sản phẩm may mặc xuất khẩu sang Mỹ). Ảnh: Quốc Tuấn

Chuyến viếng thăm của tổng thống Obama dự kiến vào ngày 23/5 được cho là mang tính chính trị nhưng chắc chắn cũng sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.

 

Về đầu tư: Mỹ chưa thực sự quan tâm

 

Trong 101 nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam thì Mỹ chỉ đứng thứ 7 với tổng số vốn khoảng 11,08 tỷ USD tính tháng 5/2015. Xét về tỷ trọng thì đầu tư từ Mỹ chỉ chiếm 4,85% trong tổng FDI vào Việt Nam, thua xa Nhật đứng đầu 14,93%, Singapore 12,93%, Đài Loan 12,53%, Hàn Quốc 11,66%, những nước có qui mô kinh tế nhỏ hơn Mỹ rất nhiều.

 

Hơn nữa, trong tổng đầu tư đó thì 42,3% là đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng. Và khoản đầu tư này tập trung chủ yếu là ở Bà Rịa vũng Tàu với mức vốn lên tới hơn 5 tỷ USD (vì một dự án resort lớn ở đây đã có mức đầu tư lên tới 4,1 tỷ USD). Công nghiệp chế tạo cũng chỉ tập trung chủ yếu ở Hải Phòng và Bình Dương với mức vốn khá nhỏ là 1,2 tỷ USD và 780 triệu USD, tương ứng.

 

Đầu tư vào công nghiệp chế tạo chỉ gần đây mới bắt đầu tăng tốc sau khi một số công ty Mỹ bắt đầu coi trọng Việt Nam như Intel chuyển địa điểm từ Malaysia sang VN vì giá nhân công rẻ hơn; và nhờ hiệu ứng từ TPP thì số các công ty Mỹ muốn đầu tư vào VN mới tăng lên nhanh.

 

 

Về thương mại: Việt Nam hưởng lợi nhiều nhưng yếu về cơ cấu

 

Thương mại hai nước gia tăng hết sức nhanh chóng, năm 1994 tổng kim ngạch thương mại hai nước chỉ ở mức hơn 200 triệu USD, thì năm 2015 tổng kim ngạch thương mại Việt Mỹ là hơn 45 tỷ USD, tức là gấp hơn 20 lần sau 20 năm. Trong đó Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhờ liên tục có thăng dư. (Biểu đồ).

 

Theo số liệu mới nhất của cơ quan thống kê Mỹ thì năm 2015 Mỹ thâm hụt gần 31 tỷ USD, và mới ba tháng đầu năm 2016 tổng kim ngạch đã là 11,7 tỷ USD và Mỹ thâm hụt 8,2 tỷ USD (Cơ quan thống kê Mỹ).

 

Tuy nhiên, Việt Nam dù xuất khẩu mạnh sang Mỹ cũng chỉ đứng thứ 27 trong tổng số các nước xuất khẩu vào Mỹ. Và xét dưới giác độ cơ cấu thương mại, dù Việt Nam được lợi nhiều nhưng cơ cấu lại chủ yếu là hàng nông sản, đồ gỗ, và một tỷ lệ nhỏ khoáng sản. Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế tạo được cho là lợi nhuận cao lại chiếm tỷ trọng không đáng kể. Những tranh chấp thương mại, và sự chậm chạp trong nâng cao năng lực xuất khẩu và thay đổi cơ cấu kinh tế ở Việt Nam là những lý do giải thích điều này.

 

"TPP và cả chuyến viếng thăm của tổng thống Obama được xem là một cơ hội lịch sử cho sự phát triển của Việt Nam và sự gia tăng quan hệ kinh tế hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ."

 

Giai đoạn mới và thách thức cũ

 

Quan hệ kinh tế Việt – Mỹ dù có tăng trưởng nhanh nhưng chưa thực sự sâu sắc trong giai đoạn vừa qua như phân tích ở trên có thể là do sức ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc (TQ) khá mạnh, đặc biệt là đối với nhà đầu tư Mỹ. Nền kinh tế TQ lớn hơn nhiều so với Việt Nam, tiến hành cải cách sớm hơn, và cũng có ưu thế giá nhân công và nguyên liệu rẻ, chính trị ổn định. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng trong thời gian gần đây.

 

Thứ nhất, về mặt kinh tế, nền kinh tế TQ suy giảm tăng trưởng nhanh, các rủi ro kinh tế tăng lên, chi phí lao động và các chi phí khác tăng nhanh trong khi đó Việt Nam vẫn duy trì được những yếu tố trên vì là nền kinh tế đi sau.

 

Thứ hai, về mặt chính trị, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang gây ra những vấn đề an ninh to lớn ở khu vực khiến Mỹ phải thực thi chính sách xoay trục sang châu Á, trong đó Việt Nam nổi lên như là một điểm chiến lược quan trọng. Về mặt địa lý, Việt Nam nằm vào vị trí trọng yếu của trục đường đi xuống phía Nam của Trung Quốc, nơi có các nền kinh tế phát triển năng động và có vai trò quốc tế đang nổi là các nước ASEAN và là địa điểm quan trọng kiểm soát Biển Đông.

 

Thứ ba, trên thực tế, Trung Quốc đang tăng cường phát triển các “vành đai kinh tế” trong khu vực, thực chất là tạo mạng lưới kinh tế do mình kiểm soát và đặt luật chơi. Hiệp định TPP chính là cốt lõi kinh tế của chính sách xoay trục của Mỹ nhằm tạo dựng một liên minh kinh tế có nhiều nước trong khu vực tham gia do Mỹ dẫn đầu, nhằm ngăn sự bành trướng kinh tế và chính trị của Trung Quốc.

 

TPP đã được ký kết, qua đó cả hai nền kinh tế được hòa nhập trong một khu vực tự do mâu dịch hoàn toàn với chủ ý tạo điều kiện ưu đãi tối đa cho nhau trong thương mại và đầu tư. TPP được đánh giá là hiệp định lịch sử sẽ đem lại lợi ích lớn và lâu dài về kinh tế cho cả nhóm, trong đó Việt Nam được xem là được hưởng lợi nhiều nhất. Bên cạnh đó, TPP còn đem lại sự ổn định về chính trị và an ninh khu vực và thế giới.

 

Trong bối cảnh nói trên và xét về dài hạn, Việt Nam được xem là đang hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ. Các công ty như Microsoft, Intel, Jabil, Microchip đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Theo khảo sát, các nhà đầu tư Mỹ cho rằng thị trường tiêu thụ Việt Nam là khá hấp dẫn với dân số trẻ, chính trị ổn định, nhiều khuyến khích đầu tư, khả năng kiểm soát kinh tế vĩ mô tốt của Chính phủ. Vì vậy, nhiều công ty lớn của Mỹ bắt đầu quan tâm như các công ty dầu lửa Exxon Mobil, Chevron; các công ty hàng không như Boeing, ADC-HAS Airport; các công ty máy tính như Apple, HP; và các công ty ngành điện như General Electric và AES.

 

Tuy nhiên, vấn đề là liệu Việt Nam có khai thác được những tiềm năng hay không còn tùy thuộc vào những cải cách của chính mình. Cũng theo khảo sát thì 69% các nhà đầu tư Mỹ coi nạn tham nhũng là trở ngại chính cho họ. Họ phàn nàn về sự thiếu minh bạch các khuôn khổ pháp lý, và cho rằng chính điều này đã tạo điều kiện cho tham nhũng và sự không thống nhất về luật ở các địa phương khác nhau. Đồng thời, thiếu sự phối hợp giữa Chính phủ và giới doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh và khả năng hòa nhập quốc tế của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và vấn đề khác như: thiếu điện, cơ sở giao thông hạ tầng quá tải và yếu kém, thiếu lao động kỹ năng, và tình trạng chi phí đang tăng nhanh trong vòng năm năm cũng làm họ lo ngại.

 

Nói cách khác, TPP và cả chuyến viếng thăm của tổng thống Obama được xem là một cơ hội lịch sử cho sự phát triển của Việt Nam và sự gia tăng quan hệ kinh tế hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam có thúc đẩy được sự tăng trưởng về thương mại và đầu tư với Mỹ nhằm thu được những lợi ích kinh tế từ sự gắn kết này hay không sẽ tùy thuộc vào việc Việt Nam có thực thi được những cải cách cần thiết hay không. Những cải cách này là nhằm tạo môi trường kinh tế minh bạch, cạnh tranh, bảo vệ tác quyền, và các cải thiện về cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo lực lượng lao động kỹ năng hay không. Vì đó là những đòi hỏi mà các doanh nghiệp Mỹ rất cần. 

 

 Bùi Ngọc Sơn- Viện kinh tế chính trị thế giới

Nguồn: enternews.vn


Tag:TPPObama

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang