Việt Nam với nhiều sản vật phong phú từ khắp các vùng miền luôn khiến những vị khách phương xa phải trầm trồ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp xuất khẩu hoa quả của Việt Nam đã và đang gặp không ít rào cản từ những yêu cầu nghiêm ngặt từ các nước khiến chúng ta vẫn gặp khó khi xuất khẩu.
Bao năm luẩn quẩn sân nhà
Trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trái cây được coi là một trong 9 ngành hàng chủ lực bên cạnh các ngành hàng thủy sản, lúa gạo, hạt điều, chế biến và xuất khẩu gỗ, cà phê, cao su, tiêu. Hiện nay, sản lượng trái cây thu hoạch trên cả nước tăng nhanh so với những năm trước. Trong đó, chuối được đánh giá là loại quả có sản lượng thu hoạch lớn nhất, sau đó đến cam, quýt, nhãn, dứa, xoài, vải thiều, thanh long…
Đặc biệt, theo thống kê, mấy năm trở lại đây, trái cây Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên sản lượng trái cây xuất khẩu vẫn chưa xứng với tiềm năng vốn có. Có tới 90% sản lượng trái cây vẫn phải trông đợi vào thị trường tiêu thụ nội địa nên giá bán thấp, tỷ lệ trái cây xuất khẩu mới chỉ chiếm 10% với 5 - 6% là trái cây tươi, nên giá trị kim ngạch xuất khẩu thu về không nhiều.
Thông tin thêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, tỷ lệ trái cây của Việt Nam mặc dù đã vươn ra 50 nước, nhưng chưa chiếm lĩnh được thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc và Cam-pu-chia. Nhưng có một nghịch lý trong thời gian qua, trái cây của Việt Nam vẫn lép vế và liên tục bị ép giá khi xuất khẩu sang Trung Quốc dù Việt Nam là thị trường cung cấp chuối tươi và các loại chuối khác cho Trung Quốc, chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nguyên nhân chính khiến hoa quả Việt Nam xuất khẩu gặp ở thị trường Trung Quốc là do nước này đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, tăng cường quản lý chất lượng và mặt hàng rau quả Việt Nam chỉ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung. Bên cạnh đó, Hải quan Trung Quốc còn yêu cầu phải làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đã được chỉ định là cửa nhập khẩu trái cây. Tất cả đã tạo ra không ít trở ngại cho ngành hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Một nguyên nhân khác khiến trái cây Việt gặp khó khăn chính là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bởi Trung Quốc giảm xuất hàng sang Mỹ, tập trung tiêu thụ nội địa nên lượng trái cây nhập từ Việt Nam giảm mạnh
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chủ yếu là vừa và nhỏ nên thiếu vốn, yếu công nghệ, kỹ thuật để có thể đầu tư cho chế biến sâu dẫn tới giá trị gia tăng không cao, khó tiếp cận thị trường… cũng là nguyên nhân kéo kim ngạch sụt giảm… Thêm vào đó, một số doanh nghiệp hám lợi, kinh doanh không lành mạnh, trà trộn trái cây kém chất lượng vào các lô hàng được cấp giấy chứng nhận sạch để xuất khẩu. Điều đó dẫn tới tình trạng “tự ta hại ta” khiến nhiều thị trường đóng cửa, không cho phép nhập khẩu sản phẩm trái cây của Việt Nam. Đặc biệt, các địa phương vẫn chưa có những vùng chuyên canh và sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn đến khó đáp ứng được những đơn hàng xuất khẩu lớn.
“Chìa khóa” tăng xuất khẩu trái cây Việt
Trước tình hình xuất khẩu trái cây Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ Công Thương cho rằng, cần sự nỗ lực và mối liên kết chặt chẽ của cả “bốn nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) với nhau trong nghiên cứu, sản xuất đến tiêu thụ trái cây. Tuy nhiên, trước hết, cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng buông lỏng quy hoạch, tránh để xảy ra tình trạng “xé” quy hoạch, nông dân đổ xô trồng những cây ăn quả theo phong trào.
Theo đó, việc đầu tiên Nhà nước sẽ phải quy hoạch lại các vùng trồng cây ăn trái theo hướng tập trung, có quy mô lớn, bảo đảm tính chất “liên kết vùng”. Mỗi vùng, mỗi tỉnh chỉ được phép chọn trồng một hoặc hai loại cây chủ lực là đặc sản của vùng miền, có lợi thế cạnh tranh cao để tránh tình trạng các tỉnh cùng trồng một loại cây, dẫn đến dư thừa, rớt giá. Đặc biệt, phải xây dựng những vựa thu gom, bảo quản trái cây theo tiêu chuẩn sạch, sản xuất theo quy trình chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm bởi đây là những yêu cầu sống còn để đưa trái cây Việt Nam xuất ngoại.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, để thực hiện được những yêu cầu cần phải coi trọng công tác xúc tiến thương mại, triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Trong bối cảnh đã được mở cửa thị trường tối đa về mặt thuế quan, xuất xứ hàng hóa… như hiện nay, khi các giải pháp liên quan đến mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng hàng hóa như đã nêu trên phát huy tác dụng, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có sự bứt phá mới trong xuất khẩu, đóng góp ngày càng quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu trái cây liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù Việt Nam đã thực hiện tốt vấn đề mở cửa thị trường về mặt thuế quan, tuy nhiên, có thể nhìn nhận, vấn đề đặt ra đối với ngành rau quả Việt Nam hiện nay là yếu tố chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích chuyên canh tập trung chỉ chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước; quy trình canh tác, quản lý dịch bệnh chưa được áp dụng đồng bộ nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc… Do vậy, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam dù đã được giảm thuế về 0% nhưng vẫn chưa thâm nhập được nhiều thị trường tiềm năng.
Theo VietQ