Từ sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới, rất đông khách tham quan đã nườm nượp đổ về khu vực Hoàng thành. Tất cả các phố chung quanh đã chật kín xe máy, ô tô. Bên trong và bên cạnh khu vực Hoàng thành, những tấm biển “Hết chỗ gửi xe máy” dường như chưa đủ tác dụng mà bộ phận bảo vệ còn phải lấy xe máy và hàng rào dựng chắn lối vào để ngăn dòng xe máy vẫn đang từ khắp nơi đổ về.
Không gian Hoàng thành tuy rộng rãi, thoáng đãng nhưng cũng khó có thể đủ với rất đông khách tham quan đang háo hức muốn nhìn ngắm lại hình ảnh một Hà Nội cổ xưa từng gắn bó với quá khứ của nhiều thế hệ. Rất đông trong số đó là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên…
Nhắc đến Hà Nội xưa, không thể không nhớ đến tiếng leng keng của tàu điện từng gắn bó với tuổi thơ của bao người. Một mô hình tàu điện bằng với kích thước thật đã được dựng tại sân Hoàng thành, với màu sơn trắng đỏ đặc trưng, nhưng dường như hơi mới so với hình ảnh tàu điện thật. Đây cũng là nơi đặt “sân khấu” đường phố, với các màn trình diễn xẩm, ca trù, trình diễn nhạc cụ dân gian, chơi trống bồng… do chính các bạn trẻ thực hiện.
Khu phố Hàng được phục dựng với phố Hàng Đào bán lụa, phố Hàng Khay, phố Bát Đàn, cửa Ô Quan Chưởng… Các hàng hoa lụa, vải vóc, giày da, dép cao su… được sắp xếp xen kẽ trong khu phố cổ, cùng với những gánh hàng rong, hàng xén, hàng nước bán thuốc lào, nước vối, nước chè đựng trong bát nóng hổi… gợi nhớ góc phố cũ với dăm ba ông khách ngồi khề khà chén trà câu chuyện… Cùng với đó là các tiểu cảnh hoa, gánh hàng hoa, cột điện, vòi nước máy công cộng, xe đạp dựng góc phố cũng như hình ảnh phục dựng những căn nhà cũ thời bao cấp đã thu hút rất đông các bạn trẻ đến chụp ảnh, thưởng lãm. Những hình ảnh về Hà Nội xưa với các công trình như chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, các con phố cũ thời kỳ đầu mới xây dựng cũng được đưa ra giới thiệu với khách tham quan.
“Ký ức Hà Nội” cũng là nơi nhiều đơn vị du lịch, cơ sở sản xuất hừng thủ công mỹ nghệ và kinh doanh đồ cổ, đồ cũ… tranh thủ giới thiệu sản phẩm. Rất nhiều tour du lịch đón năm mới, du lịch ngắm hoa mùa xuân… đã được các công ty chào bán ở đây.
Nặn tò he vốn là trò quen thuộc không thể thiếu vắng ở bất cứ hội chợ nào. Điểm mới ở đây là dọc các hàng tò he, nhiều chủ hàng còn rất trẻ, có khi chỉ ở lứa tuổi học sinh, và mặt hàng tò he cũng rất mới với gấu Panda, nhân vật hoạt hình Minion, Mickey…
Góc Trò chơi dân gian với rất nhiều hoạt động thú vị, đã thu hút hàng trăm em nhỏ cùng các bậc phụ huynh. Nhiều bé đã được trải nghiệm những trò chơi của bố mẹ ngày xưa như ô ăn quan, nhảy bao bố, nhảy dây, vẽ mặt nạ, vẽ chuồn chuồn tre… Một triển lãm nho nhỏ với các tác phẩm hội họa của các họa sĩ nhí cũng được sắp đặt dọc con đường để phục vụ khách tham quan.
Đông khách nhất là khu vực “Bia mậu dịch”: uống bia theo kiểu Hà Nội cũ. Các khẩu hiệu “Mỗi người chỉ được mua 1 cốc”, “3 hào 1 cốc bia”, “Bia hơi mát bổ rẻ”… cùng với âm nhạc của thời hiện đại phục vụ tại chỗ dường như có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách tham quan. Cả một khu vực rộng lớn với hàng trăm chỗ ngồi đã không còn một chỗ trống, và rất nhiều khách khác đang kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ được đến lượt mua “bia mậu dịch”.
Là chương trình do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long tổ chức, “Ký ức Hà Nội” đã thành công khi thu hút được một số lượng lớn khách tham quan trẻ tuổi, nhưng chưa hẳn đã đầy đủ cho một “ký ức” thật sự.
Theo Tuyết Loan. Ảnh: Hà Lê
nhandan.com.vn