Theo ghi nhận của phóng viên, việc tìm mua các loại bánh mứt kẹo "bốn không" dễ hơn mua rau. Không chỉ bánh kẹo, các loại hoa quả sấy như nho, hồng, ô mai; hạt hướng dương, hạt điều, hạt bí... cũng được tiểu thương đổ ra các chậu lớn, nhỏ bày bán mà không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng gì. Đáng nói, các loại mứt, ô mai đều được bày lộ thiên, không che đậy, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ dạo quanh một số tuyến phố Hàng Giầy, Hàng Buồm, Nguyễn Siêu... chúng tôi hoa mắt vì những màu sắc sặc sỡ của vỏ bánh kẹo. Trong vai người đi mua nho khô, tạt vào một cửa hàng bán bánh mứt kẹo ở phố Hàng Giầy, chủ cửa hàng vừa xúc nho khô trong túi ni lông to, không nhãn mác cân cho khách vừa đon đả giới thiệu: Nho này có xuất xứ từ Ninh Thuận, nhưng giá chỉ 90.000 đồng/kg. Hàng Việt Nam nên các em yên tâm đi, không bảo quản gì hết... Khi được hỏi sao hàng hóa không đóng thành túi, có tem nhãn, hạn sử dụng thì lý do vị chủ sạp hàng này đưa ra là cuối năm nhu cầu mua lẻ nhiều nên phải nhập hàng loại 10kg để chia nhỏ mới dễ bán. Quan sát tại các cửa hàng bánh kẹo trên những tuyến phố này, mỗi cửa hàng bán đến trên 20 loại với đầy đủ mẫu mã, chủng loại, giá 50.000-250.000 đồng/kg (bán lẻ); nếu khách mua buôn thì sẽ giảm được 15.000-20.000 đồng/kg, tùy loại. Đáng nói, dù là bánh kẹo "bốn không" nhưng các tiểu thương đều giới thiệu đây là hàng nhập từ các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản...
Một tiểu thương tại phố Hàng Buồm (xin giấu tên) cho biết, hàng hóa tại đây chủ yếu bán buôn cho tiểu thương các chợ ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh lân cận... Về nguồn gốc, bánh kẹo bán tại đây chủ yếu được nhập qua đường tiểu ngạch Trung Quốc và bánh kẹo thủ công ở Việt Nam.
Không chỉ được bán công khai ở nội thành, tại các chợ ngoại thành như: Chợ Xuân Mai, Chúc Sơn (Chương Mỹ), chợ Tây Đằng (Ba Vì), chợ Sấu (Hoài Đức), chợ Phùng (Đan Phượng)..., bánh mứt kẹo "bốn không" cũng được bày la liệt công khai nhưng không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, người tiêu dùng vì ham rẻ đã mua vội và không đặt hoài nghi nào về chất lượng sản phẩm!
Khó xử lý triệt để
Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung đấu tranh với tội phạm buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ông Chu Xuân Kiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phối hợp khắc phục hậu quả, hạn chế tối đa các sản phẩm không bảo đảm an toàn, chất lượng, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, không để tình trạng bày bán công khai hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm chất lượng.
Bánh kẹo “bốn không” bày bán công khai tại phố Hàng Giầy. |
Từ tháng 11-2018 đến nay, đơn vị đã kiểm tra 187 vụ; xử lý 180 vụ; phạt hành chính 501 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 1,213 tỷ đồng. Trong đó, tịch thu và tiêu hủy 1,236 tấn và 2.270 sản phẩm bánh kẹo các loại. Theo ông Chu Xuân Kiên, dù các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý gắt gao nhưng các đối tượng bất chấp, cố tình nhập hàng về bán để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Chưa kể, các đối tượng còn sử dụng các phương tiện kỹ thuật thông tin hiện đại để đối phó, tìm mọi cách lưu thông hàng giả, kém chất lượng.
Thượng tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC05), Công an TP Hà Nội cho biết: Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán, PC05 đã kiểm tra và thu giữ lượng lớn bánh kẹo, thực phẩm được mua trôi nổi trên thị trường. Cụ thể, ngày 2-1-2019, đơn vị đã kiểm tra kho tập kết bánh kẹo, thực phẩm có ghi nhãn mác Trung Quốc, Nga, Malaysia... sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt tại số nhà 11, ngách 9/178 Tây Sơn (Đống Đa) mang tên "Shop Duyên MC". Chủ cơ sở khai nhận đây là hàng trôi nổi nhưng được đóng mác nhập khẩu. Cũng dịp này, PC05 phối hợp với các lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra 3 địa điểm là kho chứa hàng ở xã La Phù (Hoài Đức), phố Hàng Giầy (Hoàn Kiếm) và Mạc Thị Bưởi (Hai Bà Trưng), thu giữ 3 tấn bánh kẹo có bao bì chữ Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng thực chất là hàng Trung Quốc sản xuất...
Trong khi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, PC05... quyết liệt ra quân xử lý vi phạm thì bánh mứt kẹo "bốn không" vẫn được bày bán công khai tại nhiều chợ, tuyến phố trên địa bàn. Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm - địa phương có hơn 100 cửa hàng bán buôn bánh kẹo cho biết: Cán bộ kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa đều là kiêm nhiệm nên chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa hạn chế. Hơn nữa, việc xử phạt không thuộc thẩm quyền của phường. Trách nhiệm của phường chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động người dân chỉ bán hàng có nguồn gốc xuất xứ, tem, nhãn, mã vạch đầy đủ.
Như vậy, có thể thấy dù các lực lượng chức năng ra quân quyết liệt xử lý, tiêu hủy bánh kẹo "bốn không" nhưng việc kiểm soát tại các địa điểm bày bán hàng hóa chưa được triệt để, còn yếu và thiếu quyết liệt, do vậy rất khó để ngăn chặn được tận gốc của vấn đề. Câu hỏi đặt ra là bao giờ và cách nào chấm dứt tình trạng bày bán tràn lan hàng hóa không rõ chất lượng, xuất xứ đang công khai trên thị trường?
Nguồn Hanoimoi