Cây xanh và những bóng mát đã làm nên vẻ đẹp của đời sống, giúp con người nghĩ nhiều về mầu xanh và sống xanh hơn, giúp những thành phố bớt ngột ngạt, nhất là khi quá trình đô thị hóa đã và đang khiến nhiều diện tích của cây xanh bị thu hẹp. Nhà cao tầng chồng xếp lên nhau. Con người bị đẩy lên cao, gần với cái nắng nóng hơn.
Bao năm qua, chúng tôi đã tìm hiểu về những tán cây được chăm sóc ở phố và bị chen đua bởi dòng chảy ồn ã như thế nào. Trên những con phố, nhiều cây xanh bị chết khô hoặc biến mất, phần lớn do bàn tay con người. Không ít hộ dân đã "sáng tạo" những cách gián tiếp bức hại cây. Như trên phố Ðê La Thành, một số hộ kinh doanh sắt thép đóng đinh vào thân cây và treo lỉnh kỉnh lên đó nhiều thứ đồ. Hay có chủ quán ăn đặt bếp than đun nấu ngay cạnh gốc cây. Một số khác dùng gạch, xi-măng bịt kín chung quanh gốc, làm nước mưa không ngấm xuống đất, khiến rễ cây "nghẹt thở"...
Người ta thường ví cây xanh đối với môi trường đô thị tương tự như lá phổi của con người. Cây hấp thụ bụi, tiếng ồn, hấp thụ chất ô nhiễm độc hại, điều hòa không khí, giảm bớt khí "nhà kính". Ở các đô thị lớn, cùng hệ thống ao hồ, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo sự phong phú về hình khối, mầu sắc. Hơn thế, các công trình kiến trúc nhân tạo, khi được kết hợp với kiến trúc tự nhiên - cây xanh sẽ tạo sự hài hòa và tăng tính sinh thái trong kiến trúc.
Không gian xanh và cụ thể hơn là cây xanh là một yếu tố để đánh giá chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị. Hà Nội là đô thị xanh, điều đó không có gì phải bàn cãi. Thành phố đang tích cực trồng thêm hàng trăm nghìn cây xanh. Ðó là những dự án nhân văn vì người dân đô thị. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy, nhiều con phố với những hàng cây đặc trưng của Hà Nội đang dần bị mai một. Bởi nhiều cây bị bão gió đánh ngã, bị chết đi do bàn tay con người. Những cây được trồng thay thế không kịp lớn, hoặc những cây không phải dòng đặc trưng của con phố ấy.
Nhiều nhà văn hóa yêu Hà Nội, yêu những giọt nắng nhẹ chui qua kẽ tay, yêu những mùa hoa sấu rụng trên mái phố, mùa lá bàng chuyển đỏ, mùa bằng lăng và hoa phượng khoe sắc đã thốt lên: Vẻ đẹp của cây cối với sắc diệp lục trong ngần là tài sản vô giá, nguồn tài nguyên vô tận, nhưng vẻ đẹp ấy cần được trân trọng, chuyển thể thành giá trị văn hóa tinh thần, giá trị thẩm mỹ lâu bền và tinh diệu của con người.
Chúng ta không thể sống tách rời mầu xanh. Bởi mầu xanh là mầu của sự sống. Khi nghĩ về những tán cây, tôi nghĩ tới sự cống hiến. Vì sao cây cối bao năm vẫn nhẫn nại hiến dâng? Phải chăng ở cây ẩn tàng sức mạnh và sức sống quật cường, tinh thần tận hiến vô điều kiện, ngay cả khi cây cối bị đối xử thiếu văn minh!
Cây cũng có linh hồn, có sự sống và thấu cảm. Cây cần được đối xử tốt, để cộng sinh, bầu bạn, chở che và tiếp sức cho chúng ta. |
Theo báo Nhân dân