Tuy nhiên, khi về miền quê Hải Dương, chúng tôi được chứng kiến mô hình nuôi lợn khác biệt mà lại hết sức quen thuộc. Đó là mô hình nuôi lợn sạch của anh Trần Văn Bằng (xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) theo phương pháp truyền thống của ông bà ta ngày xưa.
Tưởng lạ mà hóa ra quen
Bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình chăn nuôi nhỏ lẻ, tới năm 2014, nhận thấy nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng trở nên bức thiết, anh Trần Văn Bằng quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi lên tới hơn 700 con lợn thương phẩm. Xung quanh khu chăn nuôi, anh Bằng kết hợp đào ao, thả cá, vừa để tăng thu nhập, vừa góp phần xử lý những phế thải trong quá trình chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Anh Bằng còn kết hợp nấu rượu. Mỗi ngày anh nấu hơn 1 tạ gạo, bỗng rượu được sử dụng làm thức ăn cho lợn. Hàng ngày, anh cho công nhân lấy bèo, rau muống để trộn vào cùng bỗng rượu giúp lợn mau lớn. Có thể thấy, anh Bằng đã mang bí quyết nuôi lợn xưa kia của ông cha ta để áp dụng vào mô hình chăn nuôi hiện tại thay bằng những loại thức ăn công nghiệp.
Khu vực chế biến thức ăn cho lợn
Lạ mà quen, áp dụng phương pháp chăn nuôi này tuy lợn không nhanh lớn như sử dụng cám ăn thẳng, nhưng chất lượng thịt lợn thì ngon hơn hẳn. Thịt dai hơn, thơm hơn so với thịt của lợn được nuôi bằng cám thông thường. Hiện nay, trang trại của anh Bằng nuôi hơn 700 con lợn thương phẩm. Với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, anh Bằng đang có kế hoạch xây thêm 30 chuồng lợn để mở rộng quy mô chăn nuôi và hoàn thiện khu vực giết mổ cung cấp thịt lợn sạch cho bà con địa phương. Mỗi ngày, anh giết mổ khoảng 10 con lợn thương phẩm để cung ứng cho thị trường trong tỉnh Hải Dương. Dự kiến, trong dịp giáp tết âm lịch sắp tới, anh sẽ cung ứng ra thị trường hơn 500 con lợn sạch thương phẩm mỗi tháng.
Tiếng lành đồn xa, chị Lê Thị Mận (đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Trong đợt công tác về huyện Nam Sách, được nghe nói tới mô hình nuôi lợn của anh Bằng, tôi đã tìm về tận trang trại để mua thịt ăn thử. Bình thường mua thịt ngoài chợ mình không bao giờ luộc vì thịt ở đó hay dính hôi. Nhưng hôm ấy tôi quyết định luộc thử. Thật sự bị thuyết phục, khi luộc lên thịt lợn rất thơm, ăn ngọt hơn hẳn so với thịt lợn mua ở chợ thông thường”.
Anh Bằng cho biết thêm, hiện tại, thị trường của anh đang được mở rộng ra các tỉnh lân cận trong đó có Hải Phòng, Hà Nội. Công ty Nông sản Bản Sóc là một trong những đại lý phân phối sản phẩm lợn sạch của trang trại anh Bằng.
Xứng đáng được cấp Bằng chứng nhận vì sức khỏe người tiêu dùng
Anh Bằng cho biết, hàng năm mô hình trang trại đem lại thu nhập gần 500 triệu đồng cho gia đình. Không những vậy, ngoài việc đem lại lợi nhuận cho gia đình, trang trại còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trong xã với thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài việc sử dụng ăn thức ăn hoàn toàn sạch theo phương pháp truyền thống, Trang trại lợn Bằng Mười còn giữ vệ sinh chuồng trại và tắm rửa thường xuyên cho lợn. Bên cạnh đó, anh Bằng cũng chú ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc trong chăn nuôi như tiêm văc-xin đúng liều lượng cho lợn, xử lý chất thải chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật. Trang trại lợn Bằng Mười đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản Hải Dương công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm lợn sạch của Bằng Mười còn được Viện Dinh dưỡng quốc gia chứng nhận sản phẩm thịt lợn sạch vì sức khỏe người tiêu dùng.
Chu Hương