Theo thống kê sơ bộ, trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5 (từ ngày 29/4 đến 3/5/2023), các địa phương trên cả nước đã phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa và đón khoảng 300.000 khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng, tăng không nhiều so với dịp 30/4 - 1/5 năm 2022 dù lượng khách đông hơn (tăng 40%) và kỳ nghỉ kéo dài hơn.
Năm ngoái kỳ nghỉ dài 4 ngày (từ ngày 30/4/2022 đến 3/5/2022), ngành du lịch đã phục vụ 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó 2 triệu lượt khách lưu trú, tổng thu du lịch đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Như vậy so với năm 2022 thì lượng khách du lịch dịp lễ năm 2023 tăng khoảng 2 triệu lượt nhưng doanh thu chỉ tăng 2.000 tỷ. Nếu làm một phép tính đơn giản, với 2 triệu lượt khách tăng thêm này, trung bình mỗi người chỉ đóng góp 1 triệu đồng vào doanh thu chung của ngành du lịch.
Đánh giá chung kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, lượng khách tham quan lớn nhưng lượng khách lưu trú còn thấp, đa số các địa phương không có tình trạng cháy phòng. Số khách lưu trú là khoảng 3,2 triệu, chiếm xấp xỉ 45% tổng lượng khách. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước chỉ đạt 60%, một số ngày cao điểm thì công suất trên 70%. Đa số các địa phương báo cáo lượng khách du lịch tăng, tuy nhiên khách lưu trú chiếm tỉ lệ không cao, một số điểm du lịch lớn công suất sử dụng phòng dưới 80%.
Ở miền Bắc, Hà Nội đón và phục vụ 719.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn, căn hộ du lịch đạt khoảng 58,4%. Ở Lào Cai, dù dự báo công suất phòng bình quân dịp lễ vào khoảng 80% (riêng Sa Pa dự kiến 98%), nhưng từ 29/4 - 2/5 công suất phòng bình quân chung toàn tỉnh Lào Cai chỉ đạt trên 60% (riêng Sa Pa trên 75%).
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đáng chú ý có Thanh Hóa đón khoảng gần 1,2 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 690.000 lượt khách, công suất phòng khoảng 81,5%. Nghệ An phục vụ khoảng 780.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 330.000 lượt, công suất phòng bình quân đạt 80 - 85%. Đà Lạt (Lâm Đồng) ước đón khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan, trong đó khách lưu trú ước đạt 78.000 lượt. Quảng Nam phục vụ 245.000 lượt khách, số khách lưu trú khoảng 70.000 lượt.
Ở phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu đón và phục vụ khoảng 499.730 lượt khách, trong đó khách lưu trú là 124.615 lượt khách, công suất phòng bình quân đạt 75 – 80%. Khánh Hòa báo cáo lượng khách 798.100, trong đó khách lưu trú là 199.600, công suất phòng bình quân 87,8%. Tiền Giang ước đón được 88.500 lượt khách, trong đó 22.700 lượt khách lưu trú, công suất phòng trung bình 75%.
Tây Ninh và Kiên Giang nằm trong số ít điểm đến báo cáo lượng khách giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong 5 ngày từ 29/4 - 3/5/2023, Tây Ninh ước tính có 98.000 lượt khách tham quan các khu, điểm du lịch; công suất phòng bình quân ước đạt 60 - 65%. Tại Kiên Giang, lượng khách đến tham quan du lịch ước đạt 264.938 lượt, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch có lưu trú 74.070 lượt, giảm 12,9% so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch đạt trên 210 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Công suất phòng lưu trú bình quân trên địa bàn Kiên Giang đạt thấp so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt khoảng hơn 52%; phân khúc cơ sở lưu trú hạng 4 - 5 sao trung bình chỉ đạt từ 65 - 70%./.
Theo Vov.vn