Mới đây, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết AI đang tấn công thị trường lao động toàn cầu “như một cơn sóng thần”. Cách mạng công nghiệp đã đưa con người vào các nhà máy. Sau đó, tự động hóa đã đưa họ ra khỏi các nhà máy, dẫn đến sự phát triển của ngành dịch vụ. Tuy nhiên, bất chấp những làn sóng “hủy diệt” này, tổng số người có việc làm vẫn tiếp tục tăng.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI đang làm thay đổi hoàn toàn tình hình trên thị trường lao động. Theo báo cáo của IMF, gần 40% việc làm toàn cầu bị ảnh hưởng bởi AI. Các nền kinh tế phát triển nhất phải đối mặt với rủi ro lớn hơn nhưng họ cũng có sự chuẩn bị tốt hơn để thu được lợi ích so với các nước đang phát triển.
Điều này có thể mở rộng khoảng cách kỹ thuật số và khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia. Ở các nền kinh tế phát triển, khoảng 60% việc làm bị ảnh hưởng bởi AI do tỷ lệ công việc tập trung vào phát triển kinh tế trí thức cao, trong khi đó ở các nền kinh tế đang phát triển, tỷ lệ này chỉ ở mức 40%, còn ở các nước thu nhập thấp chỉ là 26%.
Bà Kristalina Georgieva nhận định: “Chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho người dân và doanh nghiệp cho việc này. Điều đó có thể dẫn đến năng suất tăng lên rất nhiều nếu chúng ta quản lý tốt, nhưng nó cũng có thể dẫn đến nhiều thông tin sai lệch hơn và tất nhiên là gây ra nhiều bất bình đẳng hơn trong xã hội”.
Báo cáo “Tác động của trí tuệ nhân tạo đến thị trường lao động” tháng 11/2024 của Viện biến đổi toàn cầu Tony Blair đã chỉ ra ba cách mà AI có thể tác động đến thị trường lao động, đó là cầu, cung và thay đổi điều kiện làm việc.
Việc các công ty Anh áp dụng đầy đủ và hiệu quả AI có thể giảm gần 1/4 khối lượng công việc của khu vực kinh tế tư nhân, tương đương với khối lượng công việc hàng năm dành cho sáu triệu công nhân. Tuy nhiên, tiềm năng tiết kiệm thời gian và cải thiện năng suất của AI rất khác nhau ở cấp độ từng người lao động.
Theo nghiên cứu của McKinsey, hiện nay, hơn 80% doanh nghiệp đã xem AI là công nghệ cốt lõi, 35% sử dụng AI ở nhiều phòng ban, và 65% ứng dụng AI tạo sinh (Generative AI) vào ít nhất một chức năng kinh doanh – tăng gấp đôi so với năm ngoái. Điều này cho thấy AI không còn là công nghệ của tương lai xa, mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hiện tại.
Trong làn sóng phát triển tiếp theo, AI sẽ không chỉ thông minh hơn mà còn trở nên gần gũi hơn. Chúng ta đang bước vào thời kỳ mà AI có thể tạo ra sự kết nối cảm xúc với con người. Trợ lý AI sẽ hiểu con người, huấn luyện viên AI sẽ hỗ trợ con người, và con người sẽ sẵn sàng tin tưởng các quyết định do AI đưa ra. Hẹn hò với AI, nhờ AI hướng dẫn, coi AI là một người bạn đồng hành sẽ sớm trở nên bình thường.
Theo VietQ.vn