Thời gian qua, hoạt động giao dịch xuyên biên giới trong môi trường TMĐT đặc biệt sôi động, tại Việt Nam, hoạt động TMĐT cũng đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ với khoảng 139 đơn vị sở hữu sàn TMĐT, số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày. Mức tăng trưởng hàng năm từ hoạt động này rất cao, năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của TMĐT vẫn đạt mức 16% với quy mô đạt trên 13,7 tỷ USD; năm 2020, tốc độ tăng trưởng là 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google đã đưa ra những nhận định, về khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD, và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Trước thực tế trên đòi hỏi Việt Nam cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả, tránh thất thu thuế, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động TMĐT; đồng thời, tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh TMĐT, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.
Thời gian qua, Tổng cục Thuế cũng đã thực hiện nhiều hình thức, giải pháp tuyên truyền, trao đổi, vận động trực tiếp các nhà cung cấp của nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Apple…; hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán (có các nhà cung cấp nước ngoài lớn hoạt động tại Việt Nam), một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte để đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Việc bước đầu thành công khi đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á triển khai thành công việc khẳng định quyền đánh thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới.Hàng loạt nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn hàng triệu USD như: Microsoft, Meta (Facebook), Netflix, TikTok, eBay...
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của Luật quản lý thuế, ứng dụng công nghệ 4.0 và cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Thuế đã triển khai xây dựng Cổng dữ liệu thông tinTMĐT để tiếp nhận thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh từ các sàn giao dịch TMĐT nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng, trình Bộ Tài chính phê duyệt Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Thời gian qua,ngành Thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ số trên các nền tảng như Facebook, Google. Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã đưa gần 10.000 cá nhân và trên 4.500 tổ chức có thu nhập từ hoạt động này để thực hiện công tác quản lý thuế. Công tác quản lý thuế đã xử lý tăng thu ngân sách nhà nước với số tiền trên 1.000 tỷ đồng đối với các đối tượng người nộp thuế này.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản ý thuế đối với TMĐT, ngành Thuế đã thực hiện ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt tập trung đối với người nộp thuế là cá nhân kinh doanh TMĐT biết và chấp hành, thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Với những kết quả trên cho thấy những là tín hiệu tích cực trong công tác quản lý thuế TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số. Việc bổ sung, đổi mới quy định về trách nhiệm của các bên khi hoạt động là hết sức cần thiết để thu đúng, thu đủ, tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực TMĐT.
Năm 2018 số thu thuế từ hoạt động TMĐT, dịch vụ số xuyên biên giới đạt 770 tỷ đồng; Năm 2019 đạt 1.168 tỷ đồng; Năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng; Năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm 2022 đạt 437 tỷ đồng. |
Minh Anh