Cung vượt cầu, giá dầu thế giới chập chờn giảm
Năm 2015, động thái nổi bật và xuyên suốt chủ đạo trên thị trường dầu thô thế giới vẫn là tình trạng cung vượt cầu. Giá cả lúc tăng, lúc giảm và tính đến đầu tháng 12-2015, giá dầu thô toàn cầu đã sụt giảm 1/3 so với tháng 5-2015 và vẫn chưa bằng một nửa so với cách đây 1 năm.
Nguyên nhân khiến giá dầu thấp và có xu hướng giảm bao gồm: Triển vọng tích cực từ kinh tế Mỹ và đà tăng giá trở lại của đồng USD, cộng với sự gia tăng sản lượng dầu khí đá phiến và kỳ vọng tăng nguồn cung từ việc đạt được thỏa thuận hạt nhân và sự tham gia trở lại của Iran trên thị trường dầu mỏ thế giới; Sự kiên quyết (dù có bất đồng nội bộ) duy trì sản lượng khai thác của OPEC (tổng sản lượng của 12 thành viên khối OPEC là 31,72 triệu thùng/ngày trong tháng 9-2015, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu thô khai thác của thế giới) và nhu cầu dầu mỏ vẫn thấp so với cung.
Năm 2015, Saudi Arabia với mức sản xuất khoảng 10,19 triệu thùng dầu/ngày đã vượt Nga (sản xuất 10,12 triệu thùng/ngày) trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và vẫn tiếp tục tăng sản lượng dầu thô, cũng như áp dụng các mức giá ưu đãi cho khách hàng nhằm gia tăng thị phần của mình trên thị trường thế giới.
Giá thành phẩm xăng dầu bình quân 15 ngày cuối tháng 7-2015 trên thế giới còn khoảng 70 USD/thùng đối với xăng, 61,4 USD/thùng đối với dầu diezen. Dầu hỏa thành phẩm cũng chỉ còn 62,83 USD/thùng và mazut chỉ ở mức bình quân 294,2 USD/tấn. Giá xăng giảm 2,8%, còn 1,7141 USD/gallon. Trên sàn Nymex (WTI), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9-2015 giảm 2,5%, còn 42,23 USD/thùng, mức thấp nhất trong sáu năm qua, kể từ ngày 3-3-2009. Giá dầu thô Brent giao tháng 9-2015 trên sàn ICE Futures cũng giảm 0,9%, còn 49,22 USD/thùng. Giá khí thiên nhiên giao tháng 9-2015 giảm 4,9%, còn 2,787 USD/MMBtu.
Tổng cộng, trong chín tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng dầu thô toàn cầu đã tăng 1,8% cho dù giá dầu giảm hơn 15% trong 9 tháng qua và 60% kể từ khi giá dầu đạt mức đỉnh điểm hồi tháng 6-2014.
Trong những ngày đầu tháng 10-2015, giá dầu thô thế giới đã chuyển hướng tăng nhẹ do các tin tức liên quan đến dự trữ dầu mỏ của Mỹ thiếu hụt so với dự kiến và Bộ Thương mại Mỹ cho biết kinh tế nước này trong quý II/2015 tăng trưởng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo ban đầu 2,3%.
Tuy nhiên, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11-2015 trên sàn Nymex (WTI) giảm nhẹ 2 cent xuống 46,64 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm giá thứ ba liên tiếp; Hợp đồng xăng giao tháng 11-2015 giảm chỉ hơn nửa cent còn 1,308 USD/gallon trong khi hợp đồng dầu sưởi giao tháng 11-2015 tăng 1,3 cent (tương ứng 0,9%) lên 1,483 USD/gallon; Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 11 nhận 2 cent (tương ứng 0,8%) lên 2,518 USD/MMBtu. Hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 11-2015 trên sàn ICE Futures rớt 9 cent (tương ứng 0,2%) còn 49,15 USD/thùng…
Đặc biệt, theo tờ Financial Times, do tình trạng quá tải các kho dự trữ, mà hiện hơn 100 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu đang “lênh đênh” trên các tàu chở dầu cỡ lớn, tăng gấp đôi so với hồi đầu năm 2015 và tương đương hơn một ngày cung dầu toàn cầu. Thậm chí, các công ty buôn bán dầu phải đề nghị các tàu đi thật chậm để có thời gian xử lý vấn đề kho chứa.
Trong thời gian trước mắt, như Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA vừa cảnh báo, giá dầu sẽ còn chịu áp lực giảm do khí hậu toàn cầu ấm lên, ngày một nhiều nguồn năng lượng sạch được sản xuất ra và các thiết bị tiết kiệm năng lượng được sử dụng, nền kinh tế của Trung Quốc và nhiều nước mới nổi đang chững lại, khiến nhu cầu tiêu thụ giảm xuống. Trong khi đó, ngày 4-12-2015, tại Vienna (Áo), OPEC đã bất đồng về việc cắt giảm sản lượng dầu khi một số quốc gia thành viên kiên quyết giữ nguyên hoặc tăng sản lượng. Trong cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng OPEC diễn ra ngày 3-12 tại Áo, Iran vẫn khẳng định sẽ tăng sản lượng dầu vào năm 2016, ngay sau khi các lệnh cấm vận của phương Tây được dỡ bỏ. Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - đã từ chối cắt giảm sản lượng với lập luận, các quốc gia xuất khẩu dầu lớn khác ngoài OPEC như Nga và Mexico cũng phải cắt giảm sản lượng dầu.
Theo dự báo ngày 13-10-2015 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2016 trung bình 95,7 triệu thùng/ngày. Tổng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong năm tới, mạnh nhất từ năm 1992. Đồng thời, sản lượng dầu của Mỹ năm 2016 sẽ giảm còn 12,56 triệu thùng/ngày, từ mức 12,75 triệu thùng/ngày trong năm 2015.
Từ nay đến năm 2020, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng dưới 1%, và ước chỉ tăng 5% trong hai thập kỷ tới (nhu cầu dầu của thế giới sẽ không đạt ngưỡng 103,5 triệu thùng/ngày cho đến năm 2040, từ mức 94,5 triệu thùng dầu/ngày hiện nay.
Đến năm 2040, nhu cầu dầu của nhóm nước công nghiệp có trình độ phát triển cao như Mỹ, Nhật và nhiều nước thuộc Liên hiệp châu Âu sẽ giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày); tức nhu cầu thấp hơn so với mức cần thiết để đẩy giá dầu hồi phục từ mức thấp hiện nay. Theo IEA, giá dầu sẽ ở quanh mức khoảng 50 USD/thùng cho đến cuối thập kỷ này và cho đến tận năm 2040 vẫn chưa đạt mốc 85 USD/thùng.
Ở góc độ khác, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Bin Saleh al-Sada đồng thời giữ chức Quyền Chủ tịch OPEC, cho rằng giá dầu hiện đã chạm đáy và có thể sẽ phục hồi vào năm 2016. Tổng thư ký OPEC cho biết, sản lượng dầu thô của các nhà sản xuất ngoài khối đã tăng 6 triệu thùng/ngày trong vòng sáu năm qua và đây là nguyên nhân then chốt gây biến động thị trường hiện nay.
Về tổng thể, động thái chủ đạo nổi bật trên thị trường xăng dầu toàn cầu năm 2016 dù tiếp tục xu hướng cung vượt cầu, nhưng sẽ cân bằng hơn, giá cả sẽ ổn định và tăng nhẹ. Giá xăng dầu thấp như vừa qua khó kéo dài bởi tính phi kinh tế (dưới giá thành sản xuất trung bình thế giới từ 30-70 USD/thùng cho công nghệ truyền thống và 60-100 USD cho công nghệ khai thác mới dầu khí đá phiến.
Vừa qua hơn một nửa số giàn khoan dầu khí đá phiến trên thế giới đã bị đóng cửa vì thua lỗ càng là cơ sở vững chắc cho nhận định này). Hơn nữa, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ sớm có sự cải thiện dần quan hệ căng thăng và cấm vận kinh tế không bình thường hiện nay giữa các nước Mỹ, Nga, EU và Ucraina. Dù Iran sẽ nỗ lực tăng xuất khẩu dầu nhờ được nới trừng phạt, song tổng lượng cung cũng khó tăng do có thể OPEC sẽ cắt giảm sản lượng và hơn nửa giàn khoan dầu khí đá phiến trên thế giới đã bị đóng cửa do thua lỗ. Trong tương quan đó, giá cả xăng dầu thế giới bình quân sẽ có xu hướng ổn định và tăng nhẹ vào cuối năm 2016
Phản ứng cùng chiều và tác động hai mặt của giá xăng dầu trong nước
Theo Bộ Công thương, năm 2015, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu nội địa ước tăng khoảng 6% so với năm 2014 và sẽ đạt khoảng 16,4 triệu tấn (nếu quy đổi mỗi tấn bằng 7 thùng và mỗi thùng khoảng 159 lít thì tương đương 114.800.000 lít, trong đó khoảng 50% sẽ nhập khẩu).
Năm 2015, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có các động thái chung là bắt kịp nhịp tăng-giảm cùng chiều với giá thế giới; tất nhiên, không kể việc tăng mạnh mức Thuế môi trường thu qua giá xăng dầu để bù trừ lại mức bắt buộc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết hội nhập AEC).
Dầu mỏ Việt Nam có chất lượng tốt và trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng (chiếm 0,3% trữ lượng dầu mỏ được phát hiện của thế giới, cao thứ nhì Đông Á, thứ ba châu Á, thứ 28 trên thế giới, và có thể sẽ duy trì sản lượng khai thác dầu thô ở mức khoảng 340.000 thùng/ngày trong một vài năm tới, xếp thứ 36 trên thế giới về quy mô khai thác, và xếp thứ tư trong khối Đông - Nam Á về xuất khẩu dầu mỏ. Dù giảm dần tỷ trọng, ngành dầu khí Việt Nam hiện vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu NSNN hàng năm của Việt Nam…
Là nước nhập khẩu dầu thô và nhập khẩu 2/3 tổng cầu xăng dầu thành phẩm hàng năm, giá dầu giảm giúp Việt Nam giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và các hoạt động tiêu dùng trực tiếp, gián tiếp liên quan đến xăng dầu của người dân, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu; đồng thời, giảm áp lực lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng nguồn thu NSNN. Trong 11 tháng năm 2015, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu đạt 4,8 tỷ USD, tăng về lượng và giảm 31,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2015.
Là nước xuất khẩu dầu thô, giá dầu thô giảm 1 USD khiến Việt Nam hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong 12 tháng năm 2015, sản lượng khai thác dầu thô Việt Nam tăng 7%, nhưng xuất khẩu dầu thô giảm khoảng 0,2% về lượng và giảm 48,3% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2014, đạt tổng thu khoảng 66.000 tỷ đồng, hụt thu khoảng 3% so với dự toán đầu năm và chiếm 6% tổng thu NSNN năm 2015; song Bộ Tài chính khẳng định, với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách vẫn bảo đảm theo kế hoạch đặt ra và quyết tâm thực hiện vượt thu 8%.
Trường hợp cực đoan khi giá dầu thô giảm xuống dưới 40 USD thì cũng không gây áp lực quá nặng nề một chiều cho cân đối NSNN, bởi lẽ: Như đã nêu, với tư cách nước nhập khẩu xăng dầu thì giá dầu giảm sẽ tạo xung lực bổ sung phát triển kinh tế, giúp mức tăng GDP khi đó có thể lên trên 8% như một số dự báo của nước ngoài. Điều này kéo theo nguồn thu NSNN sẽ được mở rộng và tổng thu gia tăng để bù cho giá xuất khẩu dầu giảm.
Thực tế, theo ông Nguyễn Văn Nên, người phát ngôn của Chính phủ, tháng 8-2015, giá thành sản xuất trung bình 01 thùng dầu thô của Việt Nam vẫn đang thấp hơn so với giá bán trung bình thời điểm hiện nay (giá bán dầu thô của Việt Nam khoảng 53 USD/thùng)… Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018, tổng cung sẽ vượt cầu khoảng 821.000 m3, riêng sản phẩm dầu diesel sẽ dư khoảng 849.000 m3. Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) của Việt Nam đang đi vào hoạt động là cũng rơi vào tình cảnh sắp hết chỗ chứa hàng tồn kho…
Theo TS. Nguyễn Minh Phong/ Báo Nhân Dân