Thứ Bẩy, 23/11/2024 10:47:51 GMT+7
Lượt xem: 1551

Tin đăng lúc 02-11-2018

Trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP: Cuộc chơi không có Mỹ, Việt Nam vẫn hưởng lợi lớn

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội báo cáo thuyết minh về Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,7% đến năm 2035, tuy nhiên, Hiệp định có khả năng tạo ra một số thách thức đòi hỏi chúng ta phải chủ động nỗ lực đổi mới để có thể vượt qua.
Trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP: Cuộc chơi không có Mỹ, Việt Nam vẫn hưởng lợi lớn
Tiền thân của CPTPP là TPP. Sau khi Mỹ rút lui khỏi TPP thì 11 nước đã ký CPTPP.

Vẫn có nhiều lợi ích dù CPTPP không có Mỹ

 

Về mặt kinh tế, Chính phủ cho hay mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Hoa Kỳ không còn nữa nhưng các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam và vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

 

Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,7% đến năm 2035.

 

Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng  cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi.  


Ví dụ, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Australia cam kết cắt giảm 93% tổng số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 2,9 tỷ USD); Canada cam kết cắt giảm 94,9% tổng số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, khoảng 0,88 tỷ USD. Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% tổng số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, khoảng 10,5 tỷ USD,...

 

Theo Chính phủ, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Hiện chúng ta dựa quá nhiều vào các thị trường tại Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN. Đây là yếu tố then chốt giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

 

Đến nay, 4 nước Mexico, Nhật Bản, Singapore và Australia đã hoàn tất quá trình phê chuẩn CPTPP. Các nước khác đang xem xét việc phê chuẩn. CPTPP sẽ có hiệu lực khi có 6 nước phê chuẩn.

 

 

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, dự báo đến năm 2030, xuất khẩucủa Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.

 

Tham gia CPTPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Vì vậy, về mặt xã hội, hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo.

 

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000-26.000 lao động. Đối với lợi ích về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đô-la Mỹ/ngày. Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi.

 

Nhiều thách thức phải vượt qua

 

Tuy nhiên, Hiệp định dự kiến có khả năng tạo ra một số thách thức đòi hỏi ta phải chủ động nỗ lực đổi mới trong nước để có thể vượt qua.

 

Về cơ bản, do Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do với 7 trên 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP nên trước mắt sức ép về cạnh tranh do mở cửa thị trường chỉ đến từ 3 nước là Canada, Mexico và Peru.

 

Nếu xét theo mặt hàng, một số chủng loại nông sản mà một số nước CPTPP có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng ta đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Tuy nhiên, do Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định nên Chính phủ cho rằng “sức ép cạnh tranh giảm đi đáng kể”.

 

 

CPTPP tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức với Việt Nam


Một số sản phẩm công nghiệp mà một số nước CPTPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, ví dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, Chính phủ nhận định có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Bởi hiện tại và trong tương lai 10-15 năm nữa sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình. Trong khi đó sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

 

Trong báo cáo này, Chính phủ cũng nhìn nhận thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế khi tham gia CPTPP.

 

Để thực thi cam kết trong CPTPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn,... Sức ép phải thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định là có nhưng Chính phủ tự tin “sẽ vượt qua được”.

 

Chính phủ thẳng thắn nhận định: Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu lâm vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.

 

Tuy nhiên, theo Chính phủ, do phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với ta, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.

 

Việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn (hay nói cách khác là chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ hà khắc hơn) có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới).

 

“Điều này đòi hỏi phải nâng cao nhận thức xã hội nói chung và nhận thức của doanh nghiệp nói riêng để tạo ra văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh lành mạnh của các doanh nghiệp và của xã hội”, Chính phủ nhận định.

 

Thách thức quan trọng nhất trong lĩnh vực lao động, theo Chính phủ, là liên quan đến yêu cầu về việc sửa đổi luật pháp, chính sách về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo các hoạt động của tổ chức này hoạt động đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

 

“Đây là các thách thức đồng thời cũng là cơ hội, động lực cho tổ chức công đoàn, nhất là các tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn trong điều kiện mới của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, Chính phủ đánh giá và cho rằng những thách thức này sẽ được giải quyết chủ yếu thông qua việc xây dựng những quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục thành lập, quản lý đăng ký hoạt động của tổ chức của người lao động; chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm.

 

 Dự kiến tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải sửa đổi, bổ sung là 8 luật, cụ thể là:

+ Bộ luật Lao động;
+ Luật Phòng, chống tham nhũng (đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luât, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 và nội dung của dự thảo mới nhất trình Quốc hội để xem xét và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (dự thảo ngày 14 tháng 10 năm 2018) đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP);
+ Luật Tố cáo (đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV vừa qua và nội dung của Luật Tố cáo sửa đổi đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP);
+ Luật Sở hữu trí tuệ;
+ Bộ luật Hình sự;
+ Bộ luật Tố tụng hình sự;
+ Luật Kinh doanh bảo hiểm;
+ Luật An toàn thực phẩm 

 

Nguồn Vietnamnet


Tag:CPTPP

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang