Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo quy định hàng “Made in Vietnam”, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết tại buổi họp báo chuyên đề về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm nay, sự kiện diễn ra sáng 30/7/2019.
Trước đó, cơ quan chức năng từng phát giác một số lô hàng sản xuất từ nước ngoài nhưng lại giả là hàng Việt Nam, gắn mác “Made in Vietnam” để tiêu thụ ở Việt Nam và xuất khẩu sang các nước.
Đáng chú ý, gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc Asanzo bị nghi ngờ liên quan đến hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam, đưa vào tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ thế nào là hàng hóa có thể gắn mác “Made in Vietnam” nên vụ việc đang có nhiều quan điểm. Các ngành cho rằng cơ sở pháp lý không đủ để xử lý hành vi này. Tổng cục Hải quan cho biết đang tiếp tục xác minh, điều tra sâu để có đủ cơ sở kết luận.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho biết Ban đã giao việc này cho Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ để tập trung phối hợp xác định, làm rõ những hành vi đúng sai của doanh nghiệp này.
Kết quả điều tra vụ việc sẽ được thông báo rộng rãi với tinh thần làm nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện. Nếu có hành vi vi phạm sẽ xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam và lợi ích người tiêu dùng.
Việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa hiện thực hiện theo Nghị định 43NĐ-CP/2017 của Chính phủ. Theo Nghị định 43, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ và các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nguyên tắc trung thực. Nhưng hiện vẫn đang thiếu quy định điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam được gắn mác “Made in Vietnam”.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng, chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng.
Việc đưa ra định nghĩa như thế nào là hàng Việt Nam rồi bắt buộc áp dụng trên toàn quốc là việc cần tính toán rất kỹ vì một số lý do. Đó là với hàng triệu sản phẩm, bản “quy tắc xuất xứ” đó sẽ phải rất chi tiết, thậm chí chi tiết hơn quy tắc xuất xứ của các FTA, bởi nó phải xử lý rất nhiều trường hợp như xoài giống Thái Lan nhưng trồng tại Việt Nam là xoài Thái Lan hay xoài Việt Nam?
Thứ hai, dường như không nước nào đưa ra quy định áp dụng cho tất cả các sản phẩm lưu thông nội địa mà chỉ chọn một số sản phẩm để đưa ra quy định bắt buộc.
Bộ Công Thương cho biết sẽ làm hết sức thận trọng, lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, đánh giá tác động nhiều chiều và sẽ chỉ trình cấp trên khi có cơ sở để tin rằng biện pháp này nhận được sự đồng tình cao của xã hội.
Theo Thới Báo Ngân Hàng