Triển lãm “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam - Họa sĩ Bùi Trang Chước” do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Đây cũng là dịp kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Quốc huy Việt Nam.
Quốc huy Việt Nam - một sản phẩm sáng tạo của hội họa, là biểu tượng cô đọng, đầy đủ và súc tích về đất nước và con người Việt Nam, đồng thời hàm chứa khát vọng tha thiết về sự phát triển đất nước của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của một quốc gia độc lập. Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ và Đảng, Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới Mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bộ máy nhà nước được hình thành và dần hoàn thiện. Bước sang những năm 1950, một số quốc gia trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để tiếp tục củng cố, thiết lập, mở rộng quan hệ với các nước, khẳng định chủ quyền dân tộc thông qua hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao có Công văn gửi Ban Thường trực Quốc hội về việc đề nghị làm Quốc huy, Quốc ấn. Cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy sau đó đã được phát động (năm 1951), thu hút sự tham gia của đông đảo họa sĩ trên cả nước.
Quốc huy Việt Nam hiện nay (nguyên thủy là Quốc huy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) được Quốc hội Việt Nam khóa I, kỳ họp thứ VI (từ 15/9 tới 20/9/1955) phê chuẩn theo đề nghị của Chính phủ và được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban bố bằng Sắc lệnh số 254-SL ngày 14/1/1956. Năm 1976, khi đất nước Việt Nam thống nhất, mẫu Quốc huy được sửa đổi phần quốc hiệu (theo phê chuẩn của Quốc hội khóa VI). Vì vậy, Quốc huy Việt Nam chính thức mang dòng chữ (in hoa) "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Theo Congthuong