Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 12/2020 đến nay, giá sắn nguyên liệu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục xu hướng tăng, giá sắn nguyên liệu tại Tây Ninh cũng tăng lên trên mức 3.000 đồng/kg do nguồn cung hạn chế, các nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất hết công suất.
Theo ước tính, tháng 11/2020, cả nước xuất khẩu được khoảng 286 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 109 triệu USD, tăng 27,1% về lượng và tăng 24,2% về trị giá so với tháng 10/2020; so với tháng 11/2019 giảm 5,9% về lượng và giảm 0,4% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân tăng 5,9% so với tháng 11/2019, lên mức 382 USD/tấn.
Tính đến hết tháng 11/2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,43 triệu tấn, trị giá 874 triệu USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng năm 2020, xuất khẩu tinh bột sắn đạt 1,62 triệu tấn, trị giá 645,17 triệu USD, ổn định về lượng, nhưng giảm 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia…
Trung Quốc chiếm 93,5% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,52 triệu tấn, trị giá 600,43 triệu USD, tăng 1,8% về lượng, nhưng giảm 3,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 10 tháng năm 2020, xuất khẩu sắn lát khô đạt 507,66 nghìn tấn, trị giá 117,41 triệu USD, tăng 107,4% về lượng và tăng 99,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, do Trung Quốc thu mua một lượng lớn sắt lát của Việt Nam để phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất ethanol.
Sắn lát khô được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia. Trong đó, xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 83,5% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 423,81 nghìn tấn, trị giá 94,34 triệu USD, tăng 178,5% về lượng và tăng 186,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Thời báo kinh doanh