Thứ Tư, 02/04/2025 10:04:10 GMT+7
Lượt xem: 267

Tin đăng lúc 31-03-2025

Trung Quốc phát triển thành công bước đầu loại vắc xin ngừa đau tim, đột quỵ

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đang phát triển một loại vắc xin có khả năng phòng ngừa đau tim và đột quỵ. Và thử nghiệm bước đầu cho thấy vắc xin có hiệu lực.
Trung Quốc phát triển thành công bước đầu loại vắc xin ngừa đau tim, đột quỵ
Vắc xin ngừa đột quỵ là tia hy vọng cho nhiều con người hiện nay. Ảnh minh họa

Tiến sĩ Keith Churchwell, Chủ tịch của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cho biết đau tim, đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Vì vậy, phát triển vắc xin để ngăn ngừa đau tim và đột quỵ có thể là bước tiến mang tính cách mạng để làm giảm tỷ lệ tử vong.

 

Mảng bám trong động mạch hay còn gọi là xơ vữa động mạch có thể gây ra cục máu đông, đột quỵ và đau tim. Động mạch cứng lại do viêm có thể cản trở lưu lượng máu, từ đó dẫn đến đột quỵ, phình động mạch hoặc đau tim, theo tờ Independent (Anh).

 

Các tình trạng tắc nghẽn động mạch như vậy, sau khi được chẩn đoán thông qua chụp cắt lớp, hiện được điều trị bằng các thủ thuật phẫu thuật như nong mạch và sử dụng stent để ngăn ngừa các mạch máu bị tắc nghẽn.

 

Từ lâu, người ta đã đưa ra giả thuyết rằng có thể chế tạo vắc xin để điều trị hoặc ngăn ngừa căn bệnh này. Giờ đây, các nhà khoa học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh (Trung Quốc) tuyên bố họ đang phát triển một loại vắc xin tiềm năng để ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch, từ đó có thể ngăn ngừa cục máu đông, đột quỵ và đau tim. Xơ vữa động mạch là bệnh viêm, liên quan đến hệ thống miễn dịch bẩm sinh của cơ thể và enzyme tự nhiên bao gồm các kháng thể.

 

Các nghiên cứu trước đây đã tạo ra một danh sách gồm nhiều loại protein khác nhau giúp bảo vệ chống lại tình trạng viêm và tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với xơ vữa động mạch.

 

Một loại protein trong số này có tên là p210. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện nó kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại sự tiến triển của xơ vữa động mạch và vắc xin mới được phát triển bằng cách sử dụng protein p210 này.

 

Vắc xin được thiết kế bằng cách gắn kháng nguyên p210 vào các hạt nano oxit sắt nhỏ và gắn một chất bổ trợ được sử dụng để tăng cường phản ứng miễn dịch của vắc xin.

 

Quá trình này cho phép cơ thể hấp thụ kháng nguyên và chất bổ trợ, kích thích hệ thống miễn dịch. Phản ứng dây chuyền từ vắc xin cuối cùng dẫn đến việc sản xuất các kháng thể nhắm vào p210.

 

Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin đã có tác dụng làm giảm sự tiến triển của mảng bám và sự phát triển của xơ vữa động mạch ở chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều cholesterol. Điều này cho thấy vắc xin có tiềm năng trong việc điều trị dự phòng xơ vữa động mạch

Các nhà nghiên cứu viết, kết quả đã chứng minh rằng chiến lược vắc xin nano hai mũi nhọn cho thấy có hiệu quả chống lại xơ vữa động mạch; sẽ tiến hành các nghiên cứu sâu hơn trước khi có thể sử dụng cho người.

 

Trước đó các nhà khoa học Nhật Bản đã bào chế thành công vắc xin S100A9 ngừa đột quỵ và các bệnh tim mạch không gây ra các phản ứng tự miễn dịch, không làm tăng nguy cơ chảy máu, mang lại sự tiện lợi cho bệnh nhân và giúp cứu sống nhiều sinh mạng. Loại vắcxin mới này được thử nghiệm thành công nhiều lần trên chuột. Vắc xin S100A9 bảo vệ chống lại cục máu đông liên tục trong hơn 2 tháng kể từ thời điểm tiêm chủng.

 

Ngoài ra, vắc xin không gây ra các phản ứng tự miễn dịch và không làm tăng nguy cơ chảy máu. Theo tiến sĩ Hironori Nakagami, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu thì thời hạn tác động dài như vậy thực sự là một bước đột phá vì “ nhiều bệnh nhân bị đột quỵ cần uống thuốc hàng ngày, nhưng đôi khi họ quên hoặc mệt mỏi vì làm điều đó. Như vậy, sẽ tạo điều kiện để đột quỵ tái phát. 

 

Liên quan tới tình hình đột quỵ tại Việt Nam, TS Võ Văn Tân - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có 13,7 triệu người mất vì đột quỵ. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai thế giới với 5,5 triệu người/năm. Đột quỵ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trẻ và gây ảnh hưởng đến 116 triệu người.

 

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh là 1.100-1.200/100.000 người, tỉ lệ tử vong do đột quỵ là 210/100.000 người. Có 77% bệnh nhân sau khi điều trị đột quỵ có khả năng quay lại cuộc sống bình thường, 21% bị tàn phế và 8,3% tử vong. Trong đó tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ngày càng gia tăng, chiếm từ 10-15% tổng số ca. Nếu bệnh nhân không tận dụng được "giờ vàng" trong điều trị, cơ hội hồi phục và trở về cuộc sống bình thường của bệnh nhân đột quỵ rất khó". Nếu so sánh với Thái Lan, tỉ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam cao gấp 1,5 lần, trong đó tử vong do nhồi máu não cao gấp 3 lần. 

 

ThS. BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ, việc nhận biết dấu hiệu đột quỵ, cách xử lý kịp thời trong thời gian vàng là rất quan trọng. Khoảng thời gian vàng từ 3 - 4,5 giờ đầu quyết định hiệu quả của quá trình điều trị đột quỵ của bệnh nhân.

 

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh đột quỵ có thể như yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó; khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể; đột ngột mất thị lực như mờ mắt, nhìn không rõ; giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ… Nếu bệnh nhân xuất hiện những dấu hiệu trên, người nhà tuyệt đối không cho người bệnh ăn, uống bất cứ thứ gì, không cạo gió hay chích máu ngón tay mà cần nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.

 

Theo vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang