Thứ Năm, 21/11/2024 20:28:06 GMT+7
Lượt xem: 20166

Tin đăng lúc 09-05-2014

Trường Dạy nghề Phương Nam – Nơi chắp cánh những ước mơ

Hiệu trưởng Trường Dạy nghề Phương Nam Vũ Văn Nam là một người lính, sau 22 năm phục vụ trong quân đội trở về cuộc sống đời thường với bao trăn trở, suy nghĩ, rằng phải làm gì để tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Với những ý tưởng ấy, ông luôn ấp ủ trong lòng mong muốn mở lớp dạy nghề, giúp đỡ cho con em những đồng đội của mình và những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ có được cái nghề trong tay.
Trường Dạy nghề Phương Nam  – Nơi chắp cánh những ước mơ

Ảnh minh họa

 

Năm 1989, ông đã quyết định mở lớp dạy nghề sửa chữa ô tô, xe máy, điện lạnh, điện dân dụng..., đây là những nghề mà ông đã được đào tạo trong quân đội. Sau 10 năm bươn trải, ông đã tích lũy được kinh nghiệm thực tế và một số vốn nhất định để từ đó tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình. Đến ngày 01/06/1999, cơ sở dạy nghề của ông đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội cấp giấy phép thành lập Trường Dạy nghề Phương Nam, đây cũng là bước ngoặt lớn đối với ông trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và từng bước xây dựng Trường ngày càng phát triển.

 

 Trải qua hơn 20 năm đi vào hoạt động, hiện nay, Nhà trường có tổng diện tích mặt bằng khoảng 3000 m2, với 30 phòng học lí thuyết và xưởng thực hành, đáp ứng yêu cầu học tập, rèn luyện tay nghề của học viên. Nhà trường còn đầu tư mua thêm nhiều trang thiết bị giảng dạy và thực hành hiện đại với số vốn lên tới vài chục tỷ đồng. Hiện tại, Trường đang tập trung đào tạo 15 ngành nghề như: Sửa chữa ô tô (điện, máy, gầm); Sửa chữa xe máy; Sửa chữa điện tử; Sửa chữa điện dân dụng; Sơn, gò, hàn; Cắt may công nghiệp và dân dụng... Với đội ngũ 30 giáo viên có trình độ cao và bề dày kinh nghiệm giảng dạy, tận tâm với nghề, luôn cố gắng hết mình nhằm truyền thụ cho các em kiến thức để sau khi tốt nghiệp các em có thể sống bằng chính nghề mình đã được đào tạo.

 

Trong công tác giảng dạy, Nhà trường chú trọng “Học đi đôi với hành”, đào tạo kết hợp với lao động sản xuất, lấy thực hành nghề là chính, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp đưa học viên đến thực tập để giúp các em có điều kiện tiếp xúc và nâng cao tay nghề. Đặc biệt là, Nhà trường đã lựa chọn phương pháp đào tạo nghề ngắn hạn, bằng cách học tập trung cả ngày và rút gọn số lượng kiến thức cơ bản nhất, để giảm bớt chi phí cho học viên và gia đình các em, đây là phương thức giảng dạy mới được Trường áp dụng và đã đem lại hiệu quả cao cho công tác đào tạo. Đáng chú ý là trong những năm qua, đã có không ít sinh viên tốt nghiệp các trường đại học nhưng chưa tìm được việc làm đã xin vào học nghề tại Trường như sửa chữa điện, ô tô… và chỉ sau một thời gian ngắn đào tạo, được Nhà trường bố trí việc làm ngay, với mức thu nhập ổn định.

 

 Bên cạnh đó, Nhà trường còn đặc biệt quan tâm tới từng học viên, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống và làm việc, hỗ trợ các em giải quyết những khó khăn, điển hình như: Nhà trường đã tạo điều kiện cho các con em thuộc diện chế độ chính sách được miễn giảm học phí (gồm con liệt sỹ, thương, bệnh binh và người tàn tật); đối với những học viên ở xa đến học thì Nhà trường không thu tiền nội trú.... Điều đó đã tạo ra chất keo gắn kết giữa Nhà trường với học viên, làm cho học viên thêm gần gũi, yêu mến trường và ngành nghề mình học hơn. Nhà trường tạo cho các em một mái ấm thực sự để yên tâm và nỗ lực học tập tốt hơn.

 

 Những năm trước đây, số lượng học viên theo học tại Trường khá đông, từ 2.000 đến 2.500 người, bao gồm những thanh niên không thi đỗ đại học, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em gia đình chính sách, những học sinh khuyết tật... Giai đoạn đầu, học viên tập trung ở một số vùng lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc..., sau đó nhờ chất lượng đào tạo mà “tiếng lành đồn xa”, nhiều địa phương trong cả nước như Sơn La, Lai Châu, Điên Biên... và đến cả huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cũng có học viên về học tại Trường. Tuy nhiên, vài năm gần đây, công tác tuyển sinh gặp nhiều trở ngại, do phải cạnh tranh với nhiều cơ sở dạy nghề khác, nên Trường Dạy nghề Phương Nam chỉ tuyển được khoảng 1.200 tới 1.300 học viên. Số lượng học sinh có giảm so với những năm trước, nhưng so với các trường đào tạo khác khu vực miền Bắc thì số lượng trên không phải là thấp. Khi được hỏi vì sao trong lúc nhiều trường gặp khó khăn trong vấn đề tuyển sinh, thì Nhà trường vẫn thu hút được số đông học viên đến vậy, Hiệu trưởng Vũ Văn Nam vui vẻ chia sẻ: “Do Nhà trường mạnh dạn áp dụng chương trình đào tạo mới giảng dạy cho học viên và trên tất cả, đó là lòng nhiệt huyết, tận tâm hết mình cuả thầy cô đối với các em, tạo niềm tin cho các em để học tập tốt; đặc biệt, Nhà trường còn giúp đỡ tận tình để các em có thể độc lập mở xưởng, mở cửa hàng; định hướng, hỗ trợ các em đến khi toại nguyện..., trong đó, 100% học viên tốt nghiệp đều được bố trí việc làm miễn phí”. Cho đến nay, Nhà trường đã đào tạo được hàng vạn học viên, 100% anh chị em khi ra trường đều tự mở được cơ sở làm nghề, có công ăn việc làm ổn định, nhiều người đã trở thành ông chủ những xưởng sửa chữa, quản lí tới hàng chục lao động.

 

Trong thời gian tới, bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới giáo trình giảng dạy, Nhà trường sẽ thu hút ngày càng đông hơn số lượng học viên đến học tại trường, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên ở các địa phương. Theo hiệu trưởng Vũ Văn Nam, để các trường đào tạo nói chung, Trường Dạy nghề Phương Nam nói riêng, thực hiện được các mục tiêu định hướng của mình, thì Nhà nước, các Bộ, Ngành, đặc biệt là các địa phương cần dành nhiều sự quan tâm tới các trường và các đơn vị dạy nghề. Hỗ trợ, hoặc cho Nhà trường vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, mở rộng ngành nghề và nâng cao chất lượng đào tạo; chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng đào tạo, nhằm giúp các trường kiểm soát được chất lượng, khả năng nắm bắt chuyên môn, tay nghề của học viên, qua đó giúp cho học viên có thể làm việc một cách độc lập. Đặc biệt, hàng năm, Nhà nước và các địa phương, cần cho thanh niên các địa phương vay vốn ưu đãi để học nghề, sau khi ra trường có việc làm, trong thời hạn 5 năm sẽ hoàn lại số vốn đó.

 

Những chia sẻ đầy nỗi niềm này chúng tôi nhận ra ở ông, người cựu chiến binh, người thầy giáo tâm huyết, Hiệu trưởng Vũ Văn Nam luôn khát khao và mong muốn được truyền cho mỗi học viên cái nghề, cũng như kỹ năng vận hành làm chủ thiết bị công nghệ, để mỗi người từ mái trường này ra đi đều có công ăn việc làm, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, đúng với phương châm của Trường Dạy nghề Phương Nam là Đảm bảo chắc chắn cho mọi gia đình yên tâm”. Nhà trường thực sự xứng đáng là nơi đào tạo nghề tin cậy và chất lượng cao của tuổi trẻ lập nghiệp trong thời đại công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Đỗ Huyền


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang