Mặc dù rất bận cho công tác kỷ niệm những sự kiện của Nhà trường sắp diễn ra, nhưng NGƯT, TS. Tô Văn Khôi vẫn dành thời gian đưa chúng tôi đi thăm quan trường và giới thiệu một số ngành, nghề mới mà trường đào tạo. Vẫn biết Trường được thành lập từ năm 1959, với mục đích là phục vụ yêu cầu phát triển của Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, rồi sau nhiều lần sáp nhập, đổi tên, ngày 09/10/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 5618/QĐ-BGDĐT nâng cấp trường Trung học Công nghiệp Thái Nguyên thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, nhưng để duy trì ổn định và phát triển, trụ vững trong cơ chế thị trường hôm nay quả thật không đơn giản.
Một góc trong khuôn viên Trường
Với nhiệm vụ chính là đào tạo lao động có kỹ thuật, phục vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại
hóa đất nước nói chung, những năm đầu thành lập, Trường mới một lớp học với 16 học sinh, cơ sở vật chất thiếu thốn, thiết bị giảng dạy còn đơn sơ, song được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh và Bộ Công Thương, cùng với sự cố gắng vượt qua mọi khó khăn của các thày, cô giáo, từ năm 2000, Trường đã thực hiện tuyển sinh bình quân mỗi năm gần 2.000 học sinh, sinh viên. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo được trên 30.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật phục vụ nhu cầu của xã hội.
Nét nổi bật của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên chính là trong gần 20 năm lại đây, Ban Giám hiệu Trường mà trực tiếp là NGƯT, TS. Hiệu trưởng Tô Văn Khôi đã khởi xướng từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và chính ông là tấm gương về sự nỗ lực, học hỏi để vươn lên. Năm 2000, toàn Trường chỉ có 112 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 82 người có trình độ đại học, cao đẳng; còn lại là trình độ trung cấp và trình độ khác. Đến nay, Nhà trường đã có 189 cán bộ, viên chức, trong đó có 01 tiến sĩ; 06 nghiên cứu sinh; 83 thạc sĩ; 84 người có trình độ đại học, cao đẳng... Để có được đội ngũ giáo viên có trình độ giảng dạy như hôm nay, Ban lãnh đạo Nhà trường đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, giáo viên học nâng cao để đạt trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Đặc biệt là chế độ lương, thưởng kịp thời theo thành tích giảng dạy đã tạo được sự tin tưởng và tinh thần thoải mái làm việc cho cán bộ, viên chức Nhà trường.
Đi đôi với việc nâng cao trình độ giảng dạy, Trường cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, dụng cụ phương tiện học, thí nghiệm hiện đại. Từ năm 1989 đến năm 2002, Nhà trường đã thực hiện có hiệu quả dự án 6,9 tỷ đồng của Bộ Công nghiệp nhẹ để xây dựng khu nội trú khép kín cho học sinh, với tổng diện tích xây dựng 2.014 m2 ; khu giảng đường 4 tầng có tổng diện tích xây dựng hơn 2.200 m2 ; bể chứa nước đạt 100 m3. Các công trình trọng điểm như xưởng may, sân vận động và hệ thống thiết bị đào tạo các nghề kỹ thuật điện, Điện tử, Điện lạnh, Sửa chữa ô tô, xe máy, phòng học vi tính 50 máy, cơ khí, kế toán, phòng học tiếng 30 cabin, hệ thống cấp nước sinh hoạt,... cũng được Nhà trường đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng, phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Từ năm 2004-2008, Nhà trường đã triển khai hoàn thành giai đoạn I của Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển Nhà trường, trong đó đã đưa vào sử dụng 2 dãy phòng học lý thuyết 50 phòng, 02 xưởng thực hành với tổng mức đầu tư 22,5 tỷ đồng. Giai đoạn II (2008-2015), Nhà trường đã và đang triển khai đưa vào sử dụng dự án nhà ở sinh viên với tổng mức đầu tư 53,7 tỷ đồng, gồm 4 nhà ký túc xá 5 tầng, hệ thống hạ tầng, điện nước phục vụ cho học tập và sinh hoạt của sinh viên; Dự án nhà đa năng 7 tầng, dự án nước sạch với tổng mức đầu tư 55,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tự có, mỗi năm trường mua sắm trang thiết bị dạy học gần 2 tỷ đồng với các trang thiết bị hiện đại như Phòng lập trình, máy CNC, phòng thực hành cung cấp điện, đo lường điện, phòng thí nghiệm, thư viện. Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt nhất cho việc học tập và đời sống sinh hoạt của HSSV, nên kết quả đào tạo và chất lượng dạy, học được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ tốt nghiệp trung bình các năm đạt 98%, trong đó số HSSV khá giỏi chiếm 25%; tỷ lệ sinh viên lên lớp đạt 98,5%;... Có được dạo quanh khuôn viên Nhà trường, mới thấy được kiến trúc, quy hoạch của Trường khá công phu, hiện đại. Các khu giảng đường, ký túc xá nằm tựa vào lưng đồi, xung quanh hồ nước trong xanh, các con đường nội bộ trong trường đều được thảm nhựa sạch sẽ, có cây xanh rợp mát, tạo cảnh quan, môi trường, hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống.
Với mục tiêu đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội, nên giải pháp lớn nhất được Nhà trường chú trọng là đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ của cán bộ, giảng viên, hiện đại hóa trang thiết bị giảng dạy để sinh viên sau khi ra trường sẽ là những lao động có tay nghề cao, trình độ chuyên môn vững vàng để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp phục vụ tiến trình công nghiệp hóa đất nước. Ngoài công tác giảng dạy trên lớp, Nhà trường còn đầu tư nhiều xưởng thực hành (trong đó có Xưởng May), để sinh viên không chỉ có cơ hội ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn mà còn tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập khi Nhà trường nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác trong và ngoài nước. Chia sẻ với chúng tôi, TS. Tô Văn Khôi - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, điều mà Trường quan tâm chính là tạo được niềm vui, sự gắn kết giữa các thầy cô giáo với HSSV, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, học đi đôi với hành, ứng dụng hiệu quả lý thuyết vào thực tiễn.
Trong chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt, khi bước vào thời kỳ chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường, với nhiều cạnh tranh quyết liệt, trong đó trở ngại lớn nhất chính là Nhà nước thực hiện cắt giảm mạnh nguồn ngân sách dành cho giáo dục, đào tạo, nhưng để có được thành quả như hôm nay, phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của NGƯT, TS. Hiệu trưởng Tô Văn Khôi. Ông là người đã mạnh dạn khởi xướng và cùng Ban Lãnh đạo Nhà trường triển khai nhiều giải pháp, định hướng mang tính chiến lược cho từng thời kỳ ngắn hạn và dài hạn; xây dựng, củng cố đội ngũ, tạo sự đồng thuận cao trong lãnh đạo và các thầy cô giáo; xây dựng được mô hình đào tạo giáo dục hài hòa, hữu ích cho học sinh “học để làm nghề, học để làm người”… Vì thế nên trong 10 năm lại đây, nội bộ Nhà trường không xảy ra đơn thư khiếu kiện, cán bộ giáo viên đoàn kết một lòng, xây dựng Nhà trường ngày càng vững mạnh, là một trong những địa chỉ tin cậy uy tín, thân thiện, có chất lượng đào tạo hàng đầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ghi nhận thành tích đã đạt được, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều phần thưởng cao quý khác... Đây chính là niềm tự hào, là động lực to lớn để Ban lãnh đạo cùng toàn thể giáo viên Nhà trường không ngừng phấn đấu, vươn lên, xứng đáng đóng vai trò là Trung tâm đào tạo đa ngành, nghề, lĩnh vực của ngành Công Thương trên địa bàn các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Như Trang