“Quan điểm của trường chúng tôi là dạy làm người trước khi dạy nghề…”, bà Trần Quí Dân - Phó Hiệu trưởng LBC nói với tôi. Bà Dân cho biết, sinh viên khi mới vào trường, phải được dạy biết làm người trước, có nghĩa là dạy cho các em biết kỹ năng sống, kỹ năng mềm, để các em thay đổi tư duy, thay đổi cách nhìn trong tất cả các hoạt động. Thứ nhất là, phải biết nói lời cảm ơn đối với cha mẹ, người thân, thầy cô và những người giúp đỡ mình. Thứ hai là, phải biết sống có tình thương, biết chia sẻ những khó khăn vất vả của người khác, đặc biệt là những người tàn tật… sau đó mới tiến hành chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo của Trường là dạy lý thuyết, đan xen với thực hành.
Được biết, năm 2016 LBC có một chương trình cải tiến mới. Đó là đào tạo với chi phí không đồng (giúp các em có khoản tiền thu được từ những tháng đi thực hành để bù vào các chi phí mà các em phải đóng trong quá trình học lý thuyết ở trường). Đây được coi như một sáng kiến trong năm 2016, đã góp phần đáng kể, giúp đỡ các sinh viên và gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn. Muốn bù được chi phí trong thời gian học ở trường, ngay từ ngày đầu vào thực tập, các em phải đảm bảo được năng suất và chất lượng mà doanh nghiệp đề ra. Các em phải hiểu rằng, chi phí không đồng, không có nghĩa là không làm mà vẫn có lương nên các em phải cố gắng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì mới được nhận lương.
Để làm được điều này, Ban Giám hiệu Nhà trường phải đặt vấn đề với các doanh nghiệp trước khi đưa các em đến thực tập. Đó là bàn với doanh nghiệp tạo mọi điều kiện để các em phấn đấu đảm bảo quyền lợi. Cụ thể, các em được ăn ca, nếu đạt năng suất, chất lượng như qui định của doanh nghiệp thì sẽ nhận được lương tương ứng. Mỗi em có một sổ ghi chép kết quả làm việc, thái độ làm việc, chấp hành kỷ luật lao động của doanh nghiệp cũng như những khó khăn trong quá trình các em thực tập. Ban Giám hiệu thường xuyên cập nhật thông tin này để kịp thời động viên, nhắc nhở, hoặc tác động với doanh nghiệp điều phối công việc để các em hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình.
Khai giảng khóa học đào tạo nghiệp vụ thương phẩm cho cán bộ mặt hàng
Hiện nay, Trường đang đào tạo một lớp Khoa May, các em được rèn luyện rất kỹ lưỡng về ý thức, về thái độ tinh thần học tập. Trong quá trình đào tạo ở Nhà trường, các em được học và áp dụng tất cả những phương pháp làm việc ở doanh nghiệp như kỷ luật lao động, năng suất và chất lượng, được làm quen với máy móc thiết bị hiện có của doanh nghiệp, để khi các em vào doanh nghiệp không có khoảng cách xa giữa đào tạo với thực tế và đáp ứng được công việc ngay. Đồng thời, Nhà trường cũng bố trí nhiều thời gian cho các em được vào thực tập ở doanh nghiệp để các em có cơ hội tiếp cận dần, không bị bỡ ngỡ giữa học và hành. Với cách đào tạo này đã giúp cho phần lớn các sinh viên LBC ra trường đều được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, các em đã đáp ứng được công việc ngay, không cần phải đào tạo lại.
Sinh viên Phạm Như Quỳnh lớp 40 MA5 chia sẻ: “Chưa bao giờ em cảm thấy xấu hổ vì chọn trường nghề để học. Bởi ngôi trường này, em thực sự thấy được niềm vui, sự thân thiện giữa thầy và trò. Ở đây không có sự phân biệt giữa các bạn nhà giàu với nhà nghèo, giữa các bạn học giỏi với học kém. Mục đích cuối cùng chúng em đạt được là vững kiến thức và chắc tay nghề. Hôm nay, qua Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, em xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các thầy cô giáo, đến các bạn thân thương của em. Mái trường ấy, nơi em đã tìm thấy mục tiêu cho tương lai của mình... Điều quan trọng nhất là em có thể tự tin đứng trước bố mẹ và nói: Con cảm ơn bố mẹ, con yêu bố mẹ rất nhiều...”.
Sinh viên Nguyễn Thanh Tân học nghề sửa chữa máy tính ra trường năm 2015, đang phụ trách 300 máy tính ở May 10 tâm sự: “Khi học trong trường, em được các thầy cô hết lòng dạy bảo, ra trường em được các anh chị ở Tổng công ty May 10 coi như người thân trong gia đình, giúp đỡ em nhiệt tình. Điều quan trọng là với sự nỗ lực của bản than nên hiện tại công việc kỹ thuật sửa chữa máy tính cơ bản em đáp ứng được, em sẽ gắn bó lâu dài ở đây...”.
Kiếm tra sinh viên thực tập tại May Lạng Giang
Bạn Hà Thị Thúy 24 tuổi, quê ở Thái Bình, học khóa C37 ngành may vừa ra trường được một năm. Hiện nay Thúy là nhóm trưởng, nhóm may mẫu của May 10, phụ trách 15 người. Thúy bộc bạch: “Lúc đầu vào làm việc em thấy khó khăn vì áp lực công việc lớn hơn. Em đã phải cố gắng nhiều, rất tập trung, chăm chỉ và đã đạt được yêu cầu của doanh nghiệp. Em rất vui khi được làm việc ở May 10 và ước mơ là tiếp tục đào tạo, giúp đỡ các bạn mới vào để nhanh chóng làm quen với công việc...”.
Tốt nghiệp Khoa khách sạn khóa C37, Nguyễn Đức Hưng được thầy cô giáo giới thiệu về làm việc tại bộ phận buồng ở Khách sạn May 10, đến nay đã được 5 năm. Hưng cho biết: “Công việc buồng khách sạn tưởng là nhẹ nhàng nhưng thực ra phải cố gắng rất nhiều mới hoàn thành được nhiệm vụ. Mình phải làm từ việc nhỏ nhất như cọ bồn cầu, lau nhà, quét phòng... tất cả phải sạch sẽ thì khách mới hài lòng và mình mới vui. Em rất yêu công việc của mình...”.
Hiện nay, LBC có một Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề đào tạo về công tác an toàn. Ngoài công tác đào tạo dài hạn,Trường còn có các chương trình đào tạo khác. Đó là, đào tạo ngắn hạn từ 3-5 tháng (Nhà trường cử giáo viên đến các xí nghiệp may các tỉnh, đào tạo công nhân ngành may); Đào tạo miễn phí kỹ năng mềm cho con cán bộ công nhân viên vào những dịp hè với những chủ đề khác nhau như “Hoàn thiện bản thân”, “Thắp lửa yêu thương, khơi nguồn sáng tạo”. Trường còn mời Sư thầy về nói chuyện đạo làm con. Dạy các con làm sản phẩm tranh bán đấu giá làm từ thiện từ nguyên liệu rơi vãi tiết kiệm được... Những việc này nhằm mục đích“đáp đền kết nối với May 10”.
Nguyễn Hoàng