Chủ Nhật, 24/11/2024 02:37:54 GMT+7
Lượt xem: 2454

Tin đăng lúc 15-04-2020

Trường Đại học Điện lực chế tạo thành công máy trợ thở cho bệnh nhân Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, đặc biệt là trong điều kiện hoàn cảnh kinh tế đất nước còn rất hạn chế, ngành Y tế thiếu thiết bị, máy móc phục vụ khám chữa bệnh cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, sau một thời gian khẩn trương nghiên cứu, các thày giáo, cô giáo và sinh viên Trường Đại học Điện lực đã chế tạo thành công máy hỗ trợ thở cho bệnh nhân Covid-19 và các bệnh khác cần hỗ trợ thở
Trường Đại học Điện lực chế tạo thành công máy trợ thở cho bệnh nhân Covid-19
Kiểm tra thiết bị máy trợ thở cho bệnh nhân nhiễm Covid-19

 

Máy trợ thở do nhóm nghiên cứu Khoa Điện tử Viễn thông và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Trường chế tạo dựa trên cơ sở mẫu thiết kế của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới, có sự cải tiến để phù hợp với điều kiện Việt Nam và tình hình dịch bệnh hiện nay.

 

Theo đó, máy trợ thở sử dụng các linh kiện, vật tư sẵn có, phổ biến trong nước để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng lớn, trong thời gian rất ngắn, có giá thành rẻ. Phiên bản đầu tiên này đang được gửi đi lấy ý kiến của các chuyên gia để có thể hoàn thiện và đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ nhân dân trong trường hợp cấp bách. Đây là loại máy hỗ trợ thở không xâm nhập, có các tính năng cơ bản gồm đặt được các thông số như lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số inhale/exhale,...

 

Ngoài ra, máy có thể mở rộng thêm một số tính năng an toàn khác nếu cần thiết như cảnh báo áp suất..., rất hữu ích trong các trường hợp như các bệnh nhân chưa cần phải dùng đến máy thở xâm nhập hoặc phải dành máy thở xâm nhập cho những bệnh nhân nặng hơn.

 

 

Máy trợ thở đã cơ bản hoàn thành, chờ thẩm định của các chuyên gia trước khi sản xuất đại trà

 

Thông tin từ Trường Đại học Điện lực cho biết, hiện tại, thiết kế dự kiến có 2 phiên bản, tuỳ thuộc vào nguồn cung cấp linh kiện để chế tạo. Phiên bản đầy đủ nhỏ gọn, nhiều tính năng hơn, tuy nhiên sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn vật tư linh kiện có sẵn ở thị trường trong nước.

 

Nhóm nghiên cứu cho biết, với phiên bản rút gọn, thiết kế máy trợ thở sử dụng các linh kiện thiết bị có sẵn tại thị trường, đảm bảo có thể sản xuất với số lượng lớn (khoảng 1.000 – 2.000 chiếc/ mỗi tuần) và không hạn chế số lượng khi có nhu cầu. Theo tính toán, giá thành mỗi sản phẩm chỉ dao động từ 2 – 3 triệu đồng/chiếc.

 

Hy vọng, với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của các thày, cô giáo và sinh viên, Trường Đại học Điện lực sẽ thành công với đề tài nghiên cứu này và là địa chỉ tin cậy, cung cấp số lượng lớn máy trợ thở để giúp ngành Y tế có thêm cơ sở, vật chất phục vụ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19.  

 

Mai Hương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang