Một truyền thống nối liền 2 thế kỷ
Tiền thân của Trường Đại học Quy Nhơn là Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn được thành lập năm 1977 với cơ sở vật chất tiếp quản từ Trường Sư phạm Quy Nhơn của chính quyền cũ trước đó. Ngày 30/10/2003, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn được đổi tên thành Trường Đại học Quy Nhơn. Cơ sở chính của Trường có diện tích gần 14 ha tại thành phố biển Quy Nhơn.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển với 6 Hiệu trưởng lần lượt lãnh đạo, Trường ÐH Quy Nhơn đã không ngừng lớn mạnh, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tỏa về mọi miền đất nước, cả với các tỉnh Nam Lào, Nhà trường đã từng bước vươn lên tiếp cận trình độ quốc tế, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn xã hội.
Từ 5 ngành đào tạo sư phạm có mặt ngay từ ngày đầu, Trường ĐH Quy Nhơn hiện có 16 khoa, đào tạo 39 ngành thuộc các khối sư phạm; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; kỹ thuật - công nghệ; kinh tế…, với quy mô xấp xỉ 16.000 sinh viên chính quy và khoảng 5.000 sinh viên không chính quy. Trường đã và đang đào tạo 17 chuyên ngành thạc sĩ, 3 chuyên ngành tiến sĩ với quy mô gần 1.000 học viên. Ngoài ra, Trường còn đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng tiếng Việt cho hơn 1.000 lưu học sinh Lào.
Những chuyển động tích cực trong thời kỳ hội nhập
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 40 năm trường Đại học Quy Nhơn
Thời kỳ đất nước đổi mới với sự mở cửa thông thoáng của ngành Giáo dục – Đào tạo, Trường đã mạnh dạn đầu tư một cách tổng lực, lấy yếu tố con người là trung tâm và từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ viên chức, giảng viên của Trường từng bước trưởng thành nhanh chóng với 804 người, trong đó có 584 giảng viên, gồm 22 giáo sư, phó giáo sư; 142 tiến sĩ; 418 thạc sĩ; 149 nghiên cứu sinh...
Năm 2017, Trường ÐH Quy Nhơn được xếp vị trí thứ 8 về nghiên cứu khoa học trong Bảng xếp hạng với 49 trường đại học ở Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập công bố. Ðặc biệt, PGS TS. Nguyễn Sum (Khoa Toán) đã được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 với kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển.
Trường cũng đã được Bộ GD&ÐT đưa vào nhóm 11 trường đào tạo sư phạm trọng điểm trên cả nước vì truyền thống và những thành quả to lớn trong đào tạo giáo viên. Trong tháng 10 vừa qua, Trường vinh dự là trường đại học thứ 46 của Việt Nam được công nhận và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, được xếp vị trí thứ 19 trong Top 100 trường đại học đáng học nhất Việt Nam do Webometrics công bố sau khi lọc danh sách xếp hạng các trường đại học ở châu Á.
Hàng năm, Trường có 10 - 20 đề tài cấp quốc gia, cấp bộ, tỉnh; từ 300 - 400 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo trong nước và ngoài nước, trong đó có 30 - 40 bài đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI. Nhiều hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế được tổ chức tại trường gây được tiếng vang rộng khắp. Hợp tác quốc tế trong giao lưu học thuật, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học ngày càng được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, trong đó đã thiết lập các nhóm nghiên cứu với các đại học, viện nghiên cứu ở Hoa Kỳ, Úc, Pháp và Nhật Bản,...
Thứ trưởng bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Văn Phúc trao Bằng chứng nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho lãnh đạo trường Đại học Quy Nhơn.
Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Quy Nhơn đào tạo gần 58.000 sinh viên, gần 1.600 học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước; đào tạo trình độ đại học và bồi dưỡng tiếng Việt cho gần 1.000 lưu học sinh Lào. Nhiều sinh viên, học viên qua các thế hệ ra trường đã và đang giữ những cương vị chủ chốt quan trọng ở Trung ương và địa phương.
Hướng đến tầm nhìn mới từ truyền thống đến thời đại 4.0
Từ truyền thống vượt khó và không ngừng năng động, sáng tạo, Trường ĐH Quy Nhơn đang theo đuổi mục tiêu đến năm 2030 trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực định hướng ứng dụng có uy tín cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng của khu vực Đông Nam Á; có vị thế quan trọng về hợp tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi học thuật, giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế.
Năm 2018, Nhà trường dự kiến sẽ mở thêm các ngành đào tạo mới như: Đông phương học; Thống kê; Toán ứng dụng; Kỹ thuật phần mềm; Sinh học ứng dụng; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh (trái) trao cờ thi đua xuất sắc cho PGS-TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn tại lễ kỷ niệm 40 năm
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường, Ông Đỗ Ngọc Mỹ - PGS, TS, Hiệu trưởng đã nêu bật quyết tâm của tập thể Lãnh đạo và CBVC Nhà trường: “Tiếp tục giữ gìn đoàn kết, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, huy động trí tuệ, khơi nguồn sáng tạo, chủ động và mạnh mẽ hơn trong sự nghiệp đổi mới. Nhanh chóng phát triển các ngành nghề đáp ứng thị trường lao động chất lượng cao. Trường sẽ sắp xếp cơ cấu tổ chức hợp lý, hiệu quả trong bối cảnh tự chủ đại học; đổi mới toàn diện công tác quản lý theo tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giảng viên, sinh viên và tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng; tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, nghiên cứu khoa học; chú trọng đảm bảo các điều kiện kiểm định chương trình đào tạo hướng tới các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và tạo bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và công tác quản lý” .
Văn Thuận