Trước nhu cầu lớn về đáp ứng nguồn nhân lực để phát triển NLTT, Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang triển khai kế hoạch đào tạo cơ bản về kỹ thuật gắn với thực tế các dự án điện gió, điện mặt trời đang xây dựng và vận hành trên địa bàn, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Quy Nhơn xung quanh vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng nguồn NLTT của Bình Định và khu vực trước làn sóng đầu tư trong và ngoài nước đến với Bình Định?
PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ: Trong những năm qua, cùng với việc ứng dụng mạnh mẽ sự phát triển của khoa học công nghệ (KHCN) trong quá trình phát triển kinh tế đất nước theo chiều sâu thì việc phát triển kinh tế bền vững đất nước đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Việt Nam đang chú trọng và ưu tiên đầu tư phát triển lĩnh vực NLTT để dần thay thế điện sử dụng năng lượng hóa thạch. Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, những tháng đầu năm 2020, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%, chủ yếu từ NLTT. Từ hơn 10 năm trước, Đảng và Nhà nước đã có những nghị quyết quan trọng nhằm phát triển NLTT tại Việt Nam. Đón nhận những chính sách quan trọng này, lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên đã nhanh chóng nhập cuộc, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Cùng với tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp NLTT ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Bình Định trong những năm qua cũng được chú ý đặc biệt bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn
Ngày 09/10/2020, làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công Thương và Phái đoàn EU về tình hình cấp điện nông thôn và phát triển NLTT trên địa bàn tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Về các dự án NLTT, Bình Định hiện có 05 dự án điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực theo quy định, với tổng công suất là 529,5 MWp. Trên địa bàn tỉnh đã có 01 dự án điện gió đi vào vận hành phát điện với công suất 21 MW đó là điện gió Phương Mai và 03 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để thi công với công suất 90 MW.
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti đánh giá cao nỗ lực của Bình Định và nhấn mạnh con đường theo đuổi mục tiêu phát triển NLTT của Tỉnh phù hợp với chính sách của EU. Đại sứ mong muốn dần nâng cao tỷ trọng NLTT, giảm phụ thuộc vào các nguồn từ năng lượng hoá thạch cũng như nâng cao chất lượng điện khí hoá nông thôn tại Việt Nam.
Như vậy, các dự án NLTT, đặc biệt là năng lượng điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng như khu vực miền Trung – Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn cho việc đầu tư và phát triển trong tương lai.
PV: Trường ĐH Quy Nhơn với chức năng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đã nắm bắt nhu cầu nhân lực trình độ cao và triển khai công tác đào tạo chuyên về NLTT như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ: Với tiềm năng đó, nhu cầu nhân lực quản lý và kỹ thuật cho các Dự án điện gió và điện mặt trời cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ lên đến hàng ngàn người, riêng đối với Bình Định, với số lượng nhà máy hiện có và tầm nhìn đến 2030 sẽ cần đến đội ngũ kỹ sư điện chuyên ngành là 3.000 người.
Trên cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Trường ĐH Quy Nhơn đã nắm bắt nhu cầu nhân lực trình độ cao và triển khai công tác đào tạo đón đầu và đáp ứng sự phát triển về NLTT, cụ thể như sau:
Sinh viên ĐH Quy Nhơn thực hành tại Phòng Lưới điện thông minh
Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo: Nhà trường đã tiến hành xây dựng chương trình đào tạo theo hướng sáng tạo, tiếp cận sản phẩm đầu ra, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương thức tổ chức đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, đồng thời phù hợp với xu thế chung của thế giới. Chương trình chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ trong công việc, năng lực thích ứng với công nghệ mới, thực tế sản xuất, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng nghề cho người học. Chương trình đào tạo hướng đến giúp người lao động phát triển một cách toàn diện, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.
Về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo: Nhà trường huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị hỗ trợ đào tạo đặc biệt cho NLTT; Cụ thể như các phòng thí nghiệm vật liệu nano; vật lý ứng dụng; lưới điện thông minh; phòng học thông minh,…. Nhà trường chú trọng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.
Nhà trường tăng cường hợp tác liên kết trong đào tạo, gắn đào tạo với đơn vị sử dụng nguồn nhân lực: Nhà trường gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, tăng cường sự liên kết đào tạo giữa Nhà trường với doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội để xác định rõ mục tiêu đào tạo. Nhà trường đã mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; mời doanh nghiệp cùng tham gia trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức cho người học tham gia thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, tập đoàn từ đó nắm bắt thông tin phản hồi từ đơn vị sử dụng nguồn nhân lực để điều chỉnh nội dung, phương pháp, chương trình đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra tốt hơn gắn với nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Toàn cảnh Trường ĐH Quy Nhơn
PV: Trong niên khóa 2020-2022, quy mô đào tạo nguồn nhân lực về NLTT được Nhà trường ưu tiên bố trí hài hòa, hợp lý gắn với thực tế các dự án NLTT đang triển khai như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ: Bắt đầu từ năm 2020, Nhà trường đào tạo chuyên ngành “Năng lượng tái tạo” thuộc ngành Khoa học Vật liệu với chỉ tiêu 100 sinh viên/năm, đây là một trong những chuyên ngành mới, đào tạo chuyên sâu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực NLTT. Với sự đa dạng về vị trí tuyển dụng từ các công ty, tập đoàn trên toàn quốc như lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các hệ thiết bị NLTT. tại các nhà máy điện gió, điện mặt trời, thủy điện…; Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới tại các nhà máy, công ty, tập đoàn liên quan đến vật liệu tiên tiến và NLTT như: Nhà máy sản xuất nhũ tương và màng mỏng công nghệ cao tại Bình Định (>150 chỉ tiêu), các công ty First Solar, Red Sun Energy, năng lượng xanh,… ; Phân phối sản phẩm, chuyển giao thiết bị, công nghệ năng lượng mới và công nghệ vật liệu tiên tiến…, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có nhiều sự lựa chọn ứng tuyển. Mặt khác, trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu nguồn lực từ các công ty, Nhà trường mở rộng quy mô tuyển sinh từng năm theo nhu cầu việc làm thị trường và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo sao cho phù hợp với vị trí việc làm thực tiễn.
Hiện nay, Nhà trường đã liên kết với các chủ dự án, Công ty điện gió, điện mặt trời trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên để nắm bắt nhu cầu và phối hợp cho sinh viên thực tập thực tế. Đặc biệt, tỉnh Bình Định với rất nhiều nhà máy, doanh nghiệp, tập đoàn lớn về NLTT như Nhà máy Điện gió Phương Mai, Nhà máy Điện mặt trời tại Nhơn Hội, hay Phù Mỹ... là những nơi để sinh viên có thể tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi ra trường.
PV: Xin chân thành cám ơn ông!
Văn Thuận (Thực hiện)