Đầu tư bài bản cho thế hệ sinh viên thời đại số
Từ “cái nôi” đào tạo sư phạm của khu vực, QNU từng bước phát triển trở thành trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với 52 ngành trình độ đại học, 26 ngành trình độ thạc sĩ và 5 ngành trình độ tiến sĩ với tổng quy mô đào tạo hằng năm ổn định từ 14.000 – 15.000 sinh viên đại học chính quy, trên 1.000 học viên sau đại học và là địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt đáng tin cậy của hàng trăm lưu học sinh đến từ 4 tỉnh Nam Lào (Attapeu, Champasak, Salavan và Sekong). Ngoài những ngành học phổ biến, Nhà trường đang đào tạo những những ngành học có nhu cầu tuyển dụng lớn trong thời đại hiện nay như: Công nghệ kỹ thuật ô tô; Khoa học dữ liệu; Khoa học vật liệu; Trí tuệ nhân tạo (AI); Kỹ thuật phần mềm và Kỹ thuật điều khiển – Tự động hóa…
Những năm gần đây, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) tại trường đã và đang phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu xã hội trong việc ứng dụng những tri thức khoa học vào thực tiễn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ sinh học, du lịch xanh, hóa học, góp phần tạo ra những giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội đang phát triển trong thời đại số.
Trong lĩnh vực về công nghệ sinh học, xuất phát từ nhu cầu xử lý bùn thải thủy sản không nguy hại của Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định, nhóm nghiên cứu của PGS.TSKH. Nguyễn Thị Mộng Điệp, Trưởng Bộ môn Sinh học ứng dụng – Nông nghiệp, Khoa KHTN đã nghiên cứu thử nghiệm và cho ra đời chế phẩm vi sinh Microlife DHT – là sản phẩm được nghiên cứu tại Trường Đại học Quy Nhơn.
Trong lĩnh vực về du lịch xanh, bền vững, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Hữu Xuân (Bộ môn Địa lý - Quản lý Tài nguyên Môi trường, Khoa KHTN) đã xây dựng, chuyển giao 2 mô hình du lịch cộng đồng với sản phẩm du lịch đặc thù gắn liền việc bảo tồn rạn san hô Hòn Yến và quần thể gành Đá Đĩa và bộ tiêu chí du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm du lịch đặc thù địa phương của tỉnh Phú Yên.
Về lĩnh vực vật liệu – phân bón, Nhà trường chủ trì đề tài “Nghiên cứu thu hồi và tách đất hiếm từ Mỏ nam Đề Gi để sản xuât phân bón vi lượng” thuộc chương trình trọng điểm Nhà nước về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới KC.02/16-20, do PGS.TS. Cao Văn Hoàng (Khoa KHTN) làm chủ nhiệm.
Việc triển khai xây dựng học liệu và đào tạo E-Learning là hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy được QNU chú trọng quan tâm. Đến nay, Nhà trường đã triển khai thí điểm, tổ chức giảng dạy 6 ngành đào tạo trong Nhà trường theo phương thức E-Learning.
Từ năm 2016 đến nay, công tác tuyển sinh của Nhà trường đạt được những thành công nhất định. Nhà trường đạt mức tuyển sinh từ 2.800 chỉ tiêu (năm 2016), tăng hơn 45% lên 4.100 chỉ tiêu (năm 2023).
Đến nay, Nhà trường có 735 viên chức, người lao động, trong đó có 01 GS, 36 PGS, 205 tiến sĩ và 56 nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.
Một trong những điểm sáng trong hoạt động hợp tác quốc tế có thể kể đến là việc QNU trở thành trường đại học duy nhất tại châu Á được Tổ chức VLIR-UOS lựa chọn trong năm 2021 là trường đại học đối tác để thực hiện Chương trình hợp tác thể chế đại học (IUC) dưới sự điều phối của Đại học Leuven (KU Leuven), Vương quốc Bỉ. Đặc biệt là tập trung vào lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, cảnh báo thiên tai, cảnh báo lũ sớm, nghiên cứu chuỗi giá trị cho táo và thanh long; bảo quản sau thu hoạch an toàn và kéo dài cho bơ, sầu riêng… Trong Chương trình này còn có 9 NCS của Trường được đào tạo trong các lĩnh vực khác nhau về năng lượng tái tạo, khoa học dữ liệu, AI, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, kinh tế tuần hoàn, chuỗi giá trị… tại các đại học uy tín của Bỉ như KU Leuven, Ugent, HOGENT, Hasselts, Vives.
Mỗi sinh viên tốt nghiệp là một đại sứ khẳng định thương hiệu QNU
Tại thời điểm này, Trường Đại học Quy Nhơn đã thiết lập mạng lưới quan hệ với hơn 600 cơ quan, doanh nghiệp và đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với 75 đối tác lớn ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cũng như cả nước, nhằm mang đến cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Trong 5 năm trở lại đây, theo kết quả khảo sát tình hình việc làm hằng năm, tỉ lệ sinh viên có việc làm trong vòng một năm đầu tiên sau tốt nghiệp đạt trên 90%.
Theo “Bảng xếp hạng Top 100 trường đại học Việt Nam năm 2024” của Vietnam’s University Rankings (VNUR), QNU vinh dự được xếp ở vị trí 17/100. Ngoài ra, tính đến tháng 5/2024, QNU cũng được xếp hạng 26 trên 187 trường đại học tại Việt Nam, đồng thời xếp hạng 189 trên tổng số 4.851 trường đại học ở khu vực Đông Nam Á theo “Ranking Web of Universities” của Webometrics.
Trải qua gần 47 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Quy Nhơn đã và đang là địa chỉ tin cậy của phụ huynh, được nhiều thế hệ sinh viên tự hào khẳng định thương hiệu QNU trong hành trình tương lai.
Văn Thuận