Cơ hội mới cho sự phát triển ngành năng lượng tái tạo
Ngày 16/12, Trường Đại học Quy Nhơn đã có buổi gặp mặt, trao đổi với Viện Năng lượng, Bộ Công Thương về cơ hội phát triển của ngành học năng lượng tái tạo trong tương lai. Với mức tiêu thụ điện ngày một tăng cao, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo khiến nhu cầu về nguồn nhân lực cũng tăng mạnh trong nhiều năm gần đây. Do đó, năng lượng tái tạo đang trở thành ngành học được Trường Đại học Quy Nhơn quan tâm và dự kiến phát triển.
PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ - Trường Đại học Quy Nhơn khẳng định: “Với sứ mệnh trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, định hướng ứng dụng, Trường Đại học Quy Nhơn trong thời gian qua luôn chú trọng phát triển các ngành kỹ thuật, cũng như phát triển các ngành học mang tính ứng dụng cao, Nhận thấy năng lượng tái tạo đã và đang là cơ hội cung ứng nguồn năng lượng lớn cho khu vực tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói chung, Trường Đại học Quy Nhơn được Viện Năng lượng – Bộ Công Thương đóng góp ý kiến, tư vấn cụ thể và hỗ trợ về nhiều mặt trong chiến lược phát triển ngành học sắp tới”.
Toàn cảnh trường ĐH Quy Nhơn
Phù hợp với Quy hoạch Điện 8 - phát triển điện lực quốc gia, Viện trưởng Viện Năng lượng Trần Kỳ Phúc cho biết: “Với các dự án sắp tới, nhu cầu về cán bộ kỹ thuật liên quan đến năng lượng tái tạo rất lớn. Các nhà đầu tư sẽ dành một phần kinh phí cho việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho ngành học này. Đồng thời, năng lượng tái tạo là một trong những phần quan trọng của nguồn năng lượng 4.0 và Trường Đại học Quy Nhơn là một ngôi trường có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển”. Viện trưởng Trần Kỳ Phúc hứa hẹn sẽ dành sự hỗ trợ hết sức cho Nhà trường trong việc tư vấn trong công tác đào tạo và nghiên cứu.
Mở rộng liên kết - Chiếc chìa khóa để thực hiện đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực
Trong quá trình hướng đến tự chủ đại học, Trường Đại học Quy Nhơn đã không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế, xác định đây là hướng đi mũi nhọn nhằm đẩy nhanh quốc tế hóa Nhà trường, nâng cao năng lực quản trị, nghiên cứu, chất lượng giảng viên, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, củng cố vị thế của Nhà Trường trong thời kỳ hội nhập.
Tham quan Phòng thí nghiệm Nano
Nhà trường chú trọng phát triển hợp tác mật thiết trong đào tạo, nghiên cứu với tất cả các trường đại học, tổ chức, viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Nhiều Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác song phương và đa phương trong đào tạo và nghiên cứu đã được ký kết và đang triển khai hiệu quả giữa Trường Đại học Quy Nhơn và các trường đại học danh tiếng đến từ Bỉ, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào…, từ đó đem lại cho các cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường nhiều cơ hội để mở rộng kiến thức cũng như tiếp cận với môi trường giáo dục và nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.
Hiện nay, Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang nhận được nhiều tài trợ cho các dự án tăng cường năng lực và nghiên cứu khoa học từ các tổ chức quốc tế như Uỷ ban châu Âu (European Commission); Tổ chức Hợp tác phát triển đại học (VLIR-UOS); Cơ quan phát triển Bỉ (BTC); Viện hàn lâm khoa học thế giới (TWAS); Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST); FHI360 (Hoa Kỳ)..., nhờ đó uy tín và vị thế Nhà trường được nâng cao trong khu vực và trên toàn thế giới.
Trường hiện liên kết chặt chẽ với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE Quy Nhơn) trong nghiên cứu khoa học, kết nối mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Đến nay, Trường đã xác lập được quan hệ hợp tác toàn diện với các đối tác thuộc Ủy ban châu Âu, khu vực Đông Nam Á và khu vực Đông Á.
Ký kết hợp tác với TMA Solutions về đào tạo CNTT
Đối với các doanh nghiệp (DN), Trường Đại học Quy Nhơn xác định là đối tác quan trọng, là môi trường thực tiễn, là nơi sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo từ Nhà trường. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, việc hợp tác với các DN trở thành việc làm thường xuyên, liên tục. Cho đến nay, Trường Đại học Quy Nhơn đã liên kết, hợp tác với hơn 300 DN lớn nhỏ, đây là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo, thực tập và tìm kiếm việc làm.
Cẩm - Văn