Những hoạt động thiết thực của Nhà trường hiện nay đang hướng về mục tiêu đó, đã tạo niềm tin và động lực cho sinh viên mở rộng tầm nhìn định hướng khởi nghiệp cho tương lai. Trước thềm mùa tuyển sinh 2019, PV Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, mỗi mùa tuyển sinh hằng năm Trường Đại học Quy Nhơn luôn có những điểm nhấn thu hút sự quan tâm của sinh viên mới và luôn đạt hiệu quả cao, năm 2019, Nhà trường đã có quyết định gì về cơ sở vật chất, mở rộng các khoa mới và nâng chất lượng đào tạo?
PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ: Chất lượng đào tạo quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của Nhà trường. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo, ngoài các yếu tố như nội dung chương trình, giáo trình đào tạo, đội ngũ cán bộ giảng dạy, công tác quản lý, công tác kiểm tra, đánh giá, yếu tố cơ sở vật chất có vai trò hết sức quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Quy Nhơn đã chú trọng đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Đầu năm 2019, Nhà trường đã khánh thành một hệ thống phòng thực hành lưới điện thông minh trị giá 30 tỉ đồng phục vụ đào tạo các ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử - viễn thông. Có thể nói, đây là phòng thí nghiệm lưới điện thông minh đầu tiên được trang bị cho các trường đại học có đào tạo khối ngành kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay. Với hệ thống này, SV các ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử - viễn thông có thể tiếp cận các công nghệ mới, các phương pháp điều khiển, vận hành các thiết bị sử dụng điện có thể được kết nối, quản lý và giám sát thông qua một hệ thống liên lạc viễn thông hữu tuyến và vô tuyến. Hệ thống này cũng giúp SV thực hiện các nghiên cứu về hệ thống internet vạn vật kết nối (IoT).
Bên cạnh việc đầu tư mới, Nhà trường tiến hành rà soát, mua mới bổ sung các trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm hiện có. Hệ thống giảng đường, nhà thi đấu, sân cỏ nhân tạo, hệ thống wifi, kí túc xá… đã được Nhà trường đầu tư đồng bộ.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong mùa tuyển sinh năm 2019 – 2020 Nhà trường tiếp tục mở mới các ngành đào tạo: Kỹ thuật xây dựng; Kiểm toán; Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch sử, Địa lý. Bên cạnh đó, Trường cũng đã xây dựng mới nhiều chuyên ngành gồm: Kỹ thuật viễn thông; Kỹ thuật điện tử - máy tính; Robotic và Iot (thuộc ngành Kỹ thuật điện tử - Viễn thông); Khoa học dữ liệu và Toán – tin ứng dụng (thuộc ngành Toán ứng dụng); Biến đổi khí hậu; Quản lý tài nguyên môi trường (thuộc ngành Quản lý tài nguyên và môi trường); Quản lý thị trường bất động sản, Quản lý đô thị (thuộc ngành Quản lý đất đai), Nông nghiệp sạch, chăn nuôi an toàn (thuộc ngành Sinh học ứng dụng). Đây là những ngành được đánh giá là có nhu cầu tuyển dụng cao trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, được biết Trường Đại học Quy Nhơn là một trong những biểu hiện sinh động, tích cực trong thời đại 4.0 tại địa phương với những nghiên cứu mới trong đào tạo, liên kết và ứng dụng khoa học. Những nội dung đó đã được tổ chức và tác động thế nào đối với định hướng khởi nghiệp tương lai cho sinh viên?
PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ: Việc làm của sinh viên sau khi ra trường là mối quan tâm lớn nhất của Nhà trường hiện nay. Trên cơ sở xác định mục tiêu như vậy, tất cả chương trình đào tạo của Nhà trường khi thiết kế phải có chuẩn đầu ra đáp ứng các yêu cầu về thái độ, kiến thức, kỹ năng thực tiễn của doanh nghiệp sử dụng lao động. Chúng tôi đã tổ chức các hội thảo để doanh nghiệp trực tiếp đóng góp ý kiến vào chương trình đào tạo, trên cơ sở đó xây dựng những chương trình đào tạo bám sát với nhu cầu thực tiễn.
Nhà trường đã xây dựng các chương trình gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp. Hợp tác được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao tri thức và chuyển giao công nghệ, thực tập và tuyển dụng. Nhà trường đã ký kết biên bản hợp tác trong đào tạo, thực tập và tuyển dụng với các tập đoàn lớn như: FPT Software, TMA Solutions, Vintech (VinGroup), FLC, VNPT, Viettel, BIDV… Thông qua việc hợp tác đó, SV của Trường đã được thực tập tại các doanh nghiệp và thụ hưởng nhiều kết quả tích cực. Nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp ký kết hợp đồng tuyển dụng ngay khi vừa tốt nghiệp.
Cũng thông qua việc hợp tác này các giảng viên của trường có cơ hội tiếp cận những hoạt động của các tập đoàn công nghiệp để sau đó phản ánh vào việc đào tạo, định hướng về kĩ năng nghề nghiệp đối với SV cũng như hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao các công nghệ mới.
Văn hóa khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp trong SV cũng đã được Nhà trường chú trọng. Nhiều cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp đã được tổ chức với sự tham gia của sinh viên và doanh nghiệp. Các chuyên đề kiến thức bổ trợ khởi nghiệp cho sinh viên đã được Nhà trường tổ chức.
PV: Khi quy hoạch thành phố Quy Nhơn, lãnh đạo tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm phát triển một thành phố hiện đại nhưng phải có bản sắc riêng. Trường ĐH Quy Nhơn nằm trên trục chính là đường An Dương Vương, Xuân Diệu là một vị trí mang tính chiến lược, tạo nên một trong những điểm nhấn của thành phố. Thời gian đến, Nhà trường tiếp tục nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng địa phương triển khai quy hoạch đó như thế nào, thưa ông?
PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ: Theo Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 số 1672/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, một trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo cấp vùng tại thành phố Quy Nhơn sẽ được hình thành. Với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE đầu tiên ở Việt Nam được khánh thành năm 2013, Bình Định đã trở thành điểm hẹn của các nhà khoa học danh tiếng thế giới, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và khu vực.
Đây là cơ hội vàng cho sự phát triển của Trường Đại học Quy Nhơn. Nhà trường đã chủ động tích cực hợp tác với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE, liên kết tổ chức nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế, nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh Nhà trường, đồng thời tìm kiếm, kết nối các cơ hội hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Trong chiến lược của tỉnh Bình Định, Du lịch và Khoa học là hai mảng lớn đang được tập trung đầu tư phát triển. Trường ĐH Quy Nhơn đã và đang phối hợp với các ngành chức năng của địa phương phác thảo các ý tưởng để đưa Trường ĐH Quy Nhơn trở thành một trong những điểm đến du lịch của tỉnh Bình Định, cũng như là một điểm đến trong đào tạo các ngành nghề phục vụ lĩnh vực du lịch trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Cùng với Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa đang trong quá trình hình thành, Trường ĐH Quy Nhơn đã và đang chủ động tìm kiếm. Mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa kỳ vọng biến Quy Nhơn trở thành "Thung lũng Silicon" của Việt Nam.
PV: Trân trọng cám ơn ông và xin chúc Trường Đại học Quy Nhơn đạt nhiều thắng lợi mới trong mùa tuyển sinh 2019, xứng tầm với vị thế trong ngành và niềm tin của cộng đồng.
Văn Thuận ( thực hiện)