Ngày 30/3/2023, tại TP Quy Nhơn đã diễn ra Hội nghị ký kết hợp tác giai đoạn 2021 - 2025 giữa UBND tỉnh Bình Ðịnh và chính quyền 4 tỉnh Nam Lào Attapu, Champasak, Salavan và Sekong. Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu chân tình: “Là người bạn, người anh em thân thiết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định luôn quan tâm theo dõi và hết sức vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Lào nói chung và 4 tỉnh Nam Lào nói riêng. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, các tỉnh Nam Lào nhất định sẽ tiếp tục hợp tác với Bình Định trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt trong công tác giáo dục - đào tạo và giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần xây dựng đất nước Lào ngày càng tươi đẹp”.
Thật vậy, truyền thống hợp tác giữa tỉnh Bình Định và nước bạn Lào về giáo dục - đào tạo đã được đặt ra và triển khai thực hiện từ hàng chục năm trước đây, Trường Đại học Quy Nhơn được vinh dự đảm nhận công tác này và đã gặt hái được nhiều thành tích, góp phần tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với nước bạn.
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn ôn lại truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển Nhà trường
Triển khai chương trình hợp tác, phát triển toàn diện của tỉnh Bình Định với 4 tỉnh Nam Lào (Champasak; Attapu; Sekong và Salavan), liên tục trong 20 năm, từ năm 2002 đến nay, tỉnh Bình Định đã cấp nhiều suất học bổng cho lưu học sinh (LHS) Lào đến học tập tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Trường ĐH Quy Nhơn đã đào tạo và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho gần 1.000 LHS Lào; đồng thời, đào tạo và cấp bằng đại học cho 503 LHS Lào và cấp bằng thạc sĩ cho 25 LHS Lào. Hiện còn 93 LHS của 4 tỉnh Nam Lào đang theo học tại Trường ĐH Quy Nhơn.
Trong quá trình đào tạo, Trường ĐH Quy Nhơn đã khắc phục nhiều khó khăn trong giao tiếp, phong tục tập quán…, để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, đón tết cổ truyền cho các em sinh sinh… Cùng với đó, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của Trường và các khoa có sinh viên Lào thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các sinh viên. Em Soulisak Seongbamdith tâm sự: “Mỗi sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Hội hữu nghị Việt - Lào, các thầy cô trong Trường… đều làm chúng em xúc động, biết ơn và yêu mến Bình Định nhiều hơn”.
Đặc biệt, Trường đã xây dựng chương trình chi tiết và giáo trình đào tạo tiếng Việt; bố trí giáo viên biết tiếng Lào, có kinh nghiệm giảng dạy các lớp tiếng Việt và áp dụng dạy tiếng Việt thực tế thông qua các hoạt động tham quan, dã ngoại. Trong đào tạo chuyên ngành đại học và sau đại học, Nhà trường bố trí ghép LHS Lào học cùng sinh viên Việt Nam để các em có điều kiện học hỏi thêm; đồng thời ưu tiên bố trí các giảng viên giỏi, giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, giảng dạy chuyên ngành cho LHS Lào…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (bên phải) và Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Attapu Lêt Xay Nha Phon ký kết văn bản hợp tác giai đoạn 2021 - 2025
Niềm vui của sinh viên Lào ở Trường ĐH Quy Nhơn được nhận bằng khen của Tỉnh đoàn Bình Định
Về vật chất, Trường dành riêng cho LHS Lào một ký túc xá 5 tầng, 60 phòng ở khép kín, mỗi phòng đều có tivi, điện thoại, nối mạng Internet; có khu phục vụ ăn uống riêng cho LHS. Từ năm học 2006 - 2007, LHS học tiếng Việt năm thứ nhất được Trường bao cấp toàn bộ; Vào đại học, các em đóng học phí, nhưng toàn bộ số tiền này được Nhà trường dùng cấp lại vào tiền ăn và sinh hoạt phí cho LHS, Ngoài ra, Trường còn cấp kinh phí đi lại trong các dịp nghỉ lễ, Tết và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của LHS. Cùng với chăm lo về mặt vật chất, Nhà trường chú trọng nâng cao đời sống tinh thần của LHS.
Ngày nay, hầu hết các sinh viên Lào đã trưởng thành, ra trường và trở về đảm nhận các chức vụ trong bộ máy chính quyền, hoặc làm lãnh đạo các doanh nghiệp ăn nên làm ra, phát triển mạnh trên đất nước Chămpa. Họ trở về thăm lại Trường Đại học Quy Nhơn, ôm chầm các thầy, cô giáo cũ trong niềm biết ơn vô hạn, như trở về cái nôi của một thời tuổi trẻ.
Tầm nhìn mới trong hợp tác giáo dục - đào tạo
Hướng đi mới trong lĩnh vực GD&ĐT giữa Trường Đại học Quy Nhơn và 4 tỉnh Nam Lào là phát huy kết quả nhiều năm qua. Tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục hỗ trợ từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2025 - 2026 mỗi năm 60 suất học bổng cho học sinh, sinh viên 4 tỉnh Nam Lào (15 suất/tỉnh) sang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Trường ĐH Quy Nhơn tiếp nhận, đào tạo và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho sinh viên 4 tỉnh Nam Lào được nhận học bổng của tỉnh đối với những trường hợp phải học tiếng Việt, trước khi sinh viên học chuyên ngành tại các trường trên địa bàn tỉnh.
Lưu học sinh Lào tham gia sinh hoạt văn nghệ tại trường Đại học Quy Nhơn
Mặt khác, Nhà trường tiếp tục nâng cấp về cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và sinh viên Lào nói riêng theo tiêu chí “5 P”: Place – Vị trí; Product – Sản phẩm; Prices – Chi phí học tập; People - Đội ngũ giảng viên; Promotion – Dịch vụ hỗ trợ sinh viên.
Có thể nói, với chiến lược đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hợp tác với nước ngoài trong công tác đào tạo, Trường Đại học Quy Nhơn đang thực sự xứng đáng với danh hiệu là trường đại học đa ngành, là trung tâm nghiên cứu ứng dụng, triển khai các tiến bộ khoa học và công nghệ, là nơi cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho cả nước thời đại 4.0 nói chung, đặc biệt khu vực duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và cho đất nước hoa Chămpa - Lào nói riêng.
Văn Thuận