Chủ Nhật, 24/11/2024 19:21:01 GMT+7
Lượt xem: 16584

Tin đăng lúc 28-10-2019

Trường Đại học Quy Nhơn: Tổ chức Hội thảo quốc tế “Thực trạng và giải pháp phát triển hệ thống Logistics”

Ngày 26/10/2019, tại TP Quy Nhơn, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực 1 thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đại học Brement (Đức) tổ chức Hội thảo quốc tế “Thực trạng và giải pháp phát triển hệ thống Logistics quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.
Trường Đại học Quy Nhơn: Tổ chức Hội thảo quốc tế “Thực trạng và giải pháp phát triển hệ thống Logistics”
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự có 120 đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia Logistics đến từ:  Trường Đại học Paris 13 (Pháp); các Trường Đại học khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước;, Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Bình Định và Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định.

       

Phát triển logistics - tính tất yếu của nền kinh tế hội nhập

        

Logistics là chuỗi hoạt động bao gồm: Lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. Từ đây suy ra, nhân viên Logistics sẽ là người phụ trách các công việc liên quan đến chuỗi các hoạt động nói trên.. Với sự hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, logistics đã phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều thành công cho nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống Logistics phát triển góp phần mở rộng thị trường trong thương mại quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Logistics có tác dụng như chiếc cầu nối trong việc chuyển dịch hàng hóa trên các tuyến đường mới đến các thị trường mới đúng yêu cầu về thời gian và địa điểm đặt ra. Trong thời đại kinh tế số và hội nhập toàn cầu hiện nay, Logistics đã trở thành cấp thiết và mang tính hệ thống không chỉ từ địa phương, quốc gia mà lan rộng ra toàn cầu.

        

Nắm bắt được nhu cầu phát triển nhanh hệ thống Logistics trong thời đại kinh tế mở, Trường Đại học Quy Nhơn đã tổ chức Hội thảo như một yêu cầu cấp thiết của giáo dục - đào tạo, nhằm mang lại giá trị thực tế trong các giải pháp xây dựng nhanh hệ thống Logistics trong khu vực. Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các DN đã phát biểu tham luận đóng góp nhiều giải pháp khả thi, mang tính thực tiễn cao, nhằm đẩy mạnh phát triển hệ thống Logistics, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra một cách sôi động từng ngày.

 

 

Giáo sư Daniel Thiel, Đại học Paris 13, CH Pháp tham luận      

 

Thực trạng của Logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

       

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 5 tỉnh, thành phố từ phía Nam trở ra gồm: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, trải dài trên 609 km bờ biển, với tổng diện tích hơn 27.976 km2, chiếm khoảng 8,4% diện tích tự nhiên của cả nước. Vùng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa dịch vụ và phát triển Logistics. Trong đó, hệ thống cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, phát triển Logistics của vùng như các cảng quốc tế: Quy Nhơn, Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất…Ngoài ra, còn có hệ thống đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa đang phát triển nội vùng.

 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hệ thống Logistics Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn trong quá trình xây dựng và phát triển, từ yếu tố cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, DN và nguồn nhân lực sử dụng dịch vụ Logistics… Chưa có cả nhạc trưởng chỉ huy (Nhà nước), chưa có đủ nhạc công tầm cỡ (Doanh nghiệp) và chưa có ca sĩ (Sản phẩm) đủ mạnh để hình thành hệ thống Logistics chuyên nghiệp. Do vậy đã làm cho năng lực cạnh tranh Logistics còn thấp so với nhiều vùng trong cả nước. 

        

Đại biểu cho rằng, tính hợp tác và liên kết giữa các địa phương trong vùng chỉ nặng về tính cạnh tranh, mạnh ai nấy làm, địa phương nào cũng muốn đầu tư xây dụng cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, thậm chí còn cạnh tranh nguồn hàng từ các địa phương khu vực Tây Nguyên đổ về, hoặc khai thác vận chuyển sản phẩm cho các nước trong khu vực: Manh mún, chồng chéo và kém hiệu quả do tăng chi phí không đáng có, đó là thực trạng Logistics chưa xứng tầm của khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung.

        

Giải bài toán Logistics tối ưu cho khu vực

      

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Vùng KTTĐMT trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là cực  phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực tam giác phát triển Campuchia – Việt Nam – Lào và tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp mang tính thực tiễn và khả thi:

       

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền hình, báo chí về Logistics, đặc biệt là vai trò của các trung tâm Logistics trong việc thực hiện các hình thức liên kết kinh tế vùng. Từ đó để nâng cao hơn nữa mức ủng hộ đối với nghiên cứu, triển khai và xây dựng hệ thống Logistics từ Chính phủ đến các ngành, các địa phương và DN. Đồng thời xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển Logistics của Vùng KTTĐMT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó để điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển hiện có của các địa phương trong vùng cho phù hợp.

 

Thứ hai, có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Logistics vùng KTTĐMT. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt nối các cảng biển trong vùng, ví dụ cảng Quy Nhơn nối với hệ thống đường sắt quốc gia, với các trung tâm Logistics, có chính sách đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin Logistics Vùng KTTĐMT. Phấn đấu sớm có cảng biển quốc tế chính của Vùng KTTĐMT có tên trong danh mục “tìm kiếm” của hệ thống quản lý container toàn cầu, sử dụng hiệu quả và phổ biến hệ thống định vị GPS trong vùng.

 

Thứ ba: Đẩy nhanh công tác đào tạo nguồn nhân lực Logistics cho Vùng KTTĐMT và trước hết là cho các trung tâm Logistics. Tạo mối liên kết giữa các trường đại học trong khu vực  xây dựng các chương trình đào tạo Logistics, đưa môn học Logistics vào học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học chuyên ngành kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh ở các trường đại học Vùng KTTĐMT, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp Logistics phát triển như: Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật, Singapore…

 

                                                                                Văn Thuận


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang