Trải qua 50 năm phát triển và trưởng thành, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng. Những ngày đầu mới thành lập, Nhà trường có nhiệm vụ chính là đào tạo kỹ thuật viên và giáo viên dạy nghề. Sau nhiều năm nỗ lực và phấn đấu, đến nay Trường đã trở thành trường đại học đa ngành, đào tạo nghề sư phạm chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội về nguồn nhân lực lao động. Trong 5 năm gần đây, Trường đã có 20.865 HSSV tốt nghiệp (gồm đại học 14.696 người, cao đẳng 3.913 người, TCCN 1.327 người, đào tạo nghề 929 người), kết quả tốt nghiệp của sinh viên đạt khá và giỏi chiếm 67,7%. Sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm với tỷ lệ cao và được nhà tuyển dụng đánh giá tốt về trình độ chuyên môn, tính sáng tạo và tác phong công nghiệp.
Để đạt được những kết quả đó chính là do Nhà trường đã tạo được sự khác biệt về chất lượng tuyển sinh, đào tạo về tư duy đột phá trong công tác dạy và học từ góc nhìn của doanh nghiệp, cho đến việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua kế hoạch đầu tư cho đội ngũ giáo viên.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó chú trọng cập nhật nội dung chương trình đào tạo và chuyển giao phương pháp dạy học tiên tiến phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng thực hành, thực nghiệm khoa học, ngoại khóa; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của xã hội. Cùng với đó, Nhà trường chủ động liên hệ tìm nơi thực tập là các công ty, doanh nghiệp để đưa sinh viên đi thực tập, giúp sinh viên sớm làm quen với môi trường và tác phong làm việc của doanh nghiệp.
Coi chuẩn đầu ra và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên là mục tiêu thường trực, Nhà trường đã áp dụng chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo, theo đó sinh viên cần đáp ứng các yêu cầu về kiến thức tổng quát và chuyên ngành, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm…, Nhà trường cũng tích cực tham gia công tác tự đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với quan điểm muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, giảng viên đặc biệt là cán bộ trẻ. Giai đoạn đầu khi mới nâng cấp thành trường đại học, Nhà trường đã có chủ trương và những giải pháp hữu hiệu để thu hút những cán bộ giảng dạy, những nhà khoa học có trình độ cao về trường công tác, thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; sắp xếp bố trí giảng viên và cán bộ quản lý hợp lý để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, vừa tạo điều kiện cho một số cán bộ được tiếp tục học tập, bồi dưỡng cả trong và ngoài nước. Trường hiện có 7 Giáo sư, 30 Phó giáo sư, 60 Tiến sỹ, 158 nghiên cứu sinh và 263 thạc sỹ.
Song hành cùng việc đổi mới chất lượng đào tạo đối với sinh viên cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn, giảng dạy đối với đội ngũ giảng viên, trong chiến lược phát triển của Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu xác định hợp tác quốc tế luôn là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu. Nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác đào tạo với các trường đại học của Hà Lan, Đài Loan và một số trường đại học hàng đầu của Cộng hòa Séc, Liên bang Đức, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cùng với đó, Nhà trường đã thiết lập mối quan hệ hợp tác mật thiết với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, chuyển giao công nghệ, thực tập. Nhà trường đã nhận viện trợ của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Ngân hàng châu Á, Chính phủ Hà Lan thông qua các dự án: BBPV, KFV, TVET, ADB, POHE để từng bước hiện đại hoá trang thiết bị, công nghệ phục vụ công tác nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên và HSSV.
Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo 29 chuyên ngành bậc đại học, 08 chuyên ngành cao học, 02 chuyên ngành tiến sĩ. Đặc biệt, trong hai năm qua, Nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo được 02 lớp sinh viên tài năng với số sinh viên là trên 40 em được lựa chọn từ những thí sinh có kết quả thi đầu vào đại học đạt từ 22 điểm trở lên để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sau khi tốt nghiệp tiếp tục đào tạo đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sẽ giữ lại làm giảng viên, hoặc cung cấp nguồn giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhà trường đã có nhiều công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước. Trong 5 năm gần đây, Nhà trường đã triển khai nghiên cứu 1 đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, 45 đề tài khoa học công nghệ cấp bộ với kinh phí 8,76 tỷ đồng, 259 đề tài cấp cơ sở với kinh phí hơn 3,94 tỷ đồng; tổ chức được 3 Hội thảo khoa học công nghệ cấp Quốc gia. Có trên 500 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị khoa học trong và ngoài nước….
Phong trào nghiên cứu khoa học và các hoạt động sáng tạo của sinh viên phát triển mạnh mẽ. Hằng năm, Nhà trường tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, đến nay sinh viên đã thực hiện được trên 150 đề tài KHCN, đồng thời tham gia nhiều cuộc thi khoa học kỹ thuật do các bộ, ngành tổ chức và giành được nhiều giải thưởng cao…
Một nửa thế kỷ qua là chặng đường lịch sử hết sức vẻ vang, đánh dấu những bước phát triển, đổi mới và hội nhập, cùng sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của tập thể các thế hệ CBGV, sinh viên của Nhà trường. Ghi nhận những thành tựu đạt được trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (1986); Huân chương Lao động hạng Nhất (1996); Huân chương Độc lập hạng Ba (2001) và nhiều Bằng khen của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và địa phương.
Để tiếp nối những thành quả đã đạt được, trong 5 năm tới, mục tiêu của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường là phát triển quy mô đào tạo phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng, đưa tổng số sinh viên của Trường đến năm 2020 là 15.000 sinh viên; Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá và giỏi đạt 70%; Triển khai đào tạo cao học từ 5 đến 6 ngành mới; Mở đào tạo tiến sỹ từ 3 đến 4 ngành; Phát triển đội ngũ giảng dạy, phấn đấu 100% cán bộ giảng dạy có trình độ từ thạc sỹ trở lên, trong đó 35% - 40% có học vị tiến sỹ; Tăng số cán bộ có học hàm, học vị; Nâng cao đời sống của cán bộ viên chức, thu nhập tăng thêm của cán bộ viên chức năm sau phải cao hơn năm trước và đạt 1,7 lần so với lương quy định vào năm 2020.
Anh Tuấn – Thành Công