Trải qua 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ quản lý, kinh tế, kỹ thuật nông nghiệp góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà và các tỉnh trong khu vực.
40 năm qua, Nhà trường đã đào tạo được 8.358 học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp các ngành kỹ thuật nông nghiệp, nghiệp vụ quản lý kinh tế nông nghiệp; hơn 6.500 cán bộ sơ cấp kỹ thuật nông nghiệp, nghiệp vụ quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Đặc biệt, từ năm 1986 đến năm 1993, Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cho 100 học sinh bậc trung cấp chuyên nghiệp phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nông nghiệp nước bạn Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, Trường đã tổ chức liên kết với các trường: Đại học Nông Lâm Huế; Đại học Kinh tế Huế; Đại học Quy Nhơn; Đại học Thủy lợi Hà Nội, cùng tham gia tổ chức quản lý, đào tạo hệ đại học vừa làm, vừa học cho hơn 1.945 cán bộ, sinh viên tốt nghiệp ra trường có trình độ chuyên môn kỹ sư: nông học, trồng trọt, chăn nuôi - thú y, thủy lợi, quản lý đất đai và cử nhân các ngành: kinh tế nông nghiệp, kế toán, quản trị kinh doanh...
Ngoài việc đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp và liên kết quản lý đào tạo hệ đại học vừa làm vừa học, cán bộ sơ cấp kỹ thuật nông nghiệp, nghiệp vụ quản lý HTX nông nghiệp, Nhà trường đã tham gia bồi dưỡng, tập huấn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho 105 lớp với 4.345 cán bộ cơ sở của 97 xã của 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh; tham gia Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã đào tạo 23 lớp nghề nông nghiệp với 740 học viên; tham gia Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp – LCASP” đã tổ chức tập huấn 11 lớp công nghệ sử dụng chất thải chăn nuôi bò để nuôi Trùn quế sản xuất phân hữu cơ và làm thức ăn chăn nuôi gia cầm cho 330 cán bộ khuyến nông cơ sở...
Qua 40 năm, nhiều thế hệ cán bộ và học sinh, sinh viên của Trường đã đóng góp có hiệu quả trong xây dựng và phát triển Nhà trường; nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, những nhà quản lý trong cơ quan nhà nước từ cơ sở đến huyện, tỉnh; nhiều học viên, cán bộ hoạt động có hiệu quả trong các thành phần kinh tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực.
Đạt được kết quả đào tạo nêu trên là nhờ công sức đóng góp của các thế hệ cán bộ, giáo viên, viên chức đầy nhiệt huyết của Nhà trường, luôn vượt qua khó khăn, từ những ngày đầu thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường, lớp, cơ sở thực hành, phục vụ cho dạy và học, nhưng đã đoàn kết nhất trí, quyết tâm, kiên trì cùng nhau xây dựng và phát triển Nhà trường. Cùng với quá trình xây dựng, phát triển, Nhà trường đã nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ tận tình của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức Đoàn thể, các ban ngành các cấp từ tỉnh đến huyện, xã và các Trường bạn trong và ngoài tỉnh trong liên kết đào tạo.
Thành tích trong 40 năm qua về đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp nông nghiệp và phát triển triển nông thôn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nên Nhà trường đã được Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao. Tập thể và cá nhân cán bộ, giáo viên, viên chức của Trường đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ trước mắt của Nhà trường rất nặng nề, thuận lợi có nhiều song khó khăn, thử thách là rất lớn. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết XII của Đảng; Nghị quyết XIX của Đảng bộ tỉnh; Chương trình hành động 20 ngày 28/7/2014 của Tỉnh ủy, Quyết định 959 ngày 20/3/2015 của UBND tỉnh thực hiện NQ 29 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, mỗi cán bộ, viên chức và học sinh Nhà trường cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tập trung xây dựng Kế hoạch, chiến lược phát triển của Nhà trường giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030 trên cả 3 mặt: Quy mô, chất lượng và hiệu quả, góp phần tạo ra nguồn lực lao động có trình độ hợp lý, đáp ứng nhu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Hai là, tiếp tục đa dạng hóa ngành nghề, loại hình đào tạo; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực của giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng thực hành thực tập, gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất.
Ba là, tích cực kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự theo đề án vị trí việc làm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Bốn là, tranh thủ các nguồn vốn tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy, học tập của Nhà trường, nhất là cơ sở thí nghiệm-thực hành, thực tập, thư viện.
Năm là, tranh thủ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp để sớm nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo hiện nay.
Sáu là, tổ chức tốt các phong trào thi đua, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức để yên tâm gắn bó với Nhà trường.
Với truyền thống và thành tích đạt được trong thời gian qua, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Bình Định sẽ đạt được những thành tích cao hơn nữa, góp phần tích cực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh nhà và các tỉnh lân cận, xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo các cấp, các ngành, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh Nhà trường./.
TS. Phan Trọng Hổ
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN và PTNT Bình Định