Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm ATTP, dựa trên Luật ATTP, các ngành đã ban hành nhiều văn bản quy định truy suất nguồn gốc như: Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 quy định truy suất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm thực phẩm; Lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm của cơ sở trong thời gian tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng; Phải thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm và gửi báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm về cơ quan có thẩm quyền tối đa 05 ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu truy xuất của cơ quan có thẩm quyền. Báo cáo có đầy đủ thông tin theo quy định; Phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm thực phẩm phải truy xuất. Trường hợp sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn phải được thu hồi và xử lý theo đúng quy định pháp luật; Việc áp dụng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo mã nhận diện sản phẩm được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư Số: 17/2021/TT-BNNPTNT, ngày 20/12/2021 Quy định về truy suất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT. Thông tư yêu cầu cơ sở phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo nguyên tắc truy xuất một bước trước - một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Khi có yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cơ sở phải cung cấp thông tin đã được lưu giữ về cơ sở cung cấp lô hàng nhận và cơ sở tiếp nhận lô hàng giao trong quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở; Thực phẩm sau mỗi công đoạn phải được mã hóa, nhận diện bằng một phương thức thích hợp để phục vụ truy xuất nguồn gốc,…
Mới đây, ngày 28/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư Số: 02/2024/TT-BKHCN, chính thức có hiệu lực từ 01/6/2024, quy định về quản lý truy suất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Trong đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm các nguyên tắc: Một bước trước - một bước sau, sẵn có của phân tử dữ liệu chính, hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch, phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức,…
Dựa trên các quy định, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong nước đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Đồng thời thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã thực hiện truy suất nguồn gốc tại các bếp ăn tập thể trường học, nhà máy, các cơ sở dịch vụ ăn uống, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm.
Đơn cử như tỉnh Bắc Ninh, 09 tháng đầu năm đã thực hiện kiểm tra liên ngành 468 cơ sở, xử phạt 06 cơ sở; Thực hiện kiểm tra chuyên ngành 130 cơ sở, nhắc nhở 16 cơ sở chưa đạt yêu cầu. Tính đến tháng 9/2024, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức kiểm tra hơn 12.708 lượt cơ sở, tăng hơn 7.962 lượt so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, đã kiểm tra đột xuất 458 vụ từ thông tin của người tiêu dùng thông qua các đường dây nóng, phát hiện, xử phạt 444 trường hợp vi phạm,…
HTX rau sạch Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội, sản xuất nhiều loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp vào nhiều siêu thị lớn và các bếp ăn tập thể trên địa bàn Thủ đô. Sản phẩm của HTX đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Rau Tiền Lệ được cấp chỉ dẫn địa lý
Nhờ sự tuyên truyền và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nên ý thức chấp hành thực hiện truy suất nguồn gốc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực; Người dân đã thay đổi thói quen tiêu dùng, ngày càng tìm đến những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Cũng trên cơ sở đó, các cơ quản lý, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc các sản phẩm gây ngộ độc thực phẩm.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc HTX rau sạch Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, HTX sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. 100% bà con nông dân đều được tập huấn, có kiến thức hiểu biết về ATTP. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hoài Đức cũng thường xuyên tập huấn kỹ thuật. HTX chú trọng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thông qua ghi chép nhật ký sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo đúng tiêu chuẩn. Đến nay, Rau an toàn Tiền Lệ đã được cấp chỉ dẫn địa lý, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Nhờ đó, các sản phẩm rau của HTX được cung cấp ổn định tại các siêu thị lớ như AEON, BigC,…và nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng suất ăn trường học,…
Chị Nguyễn Thị Lan ở huyện Thạch Thất, Hà Nội chia sẻ: Vừa qua, có nhiều vụ ngộ độc vì các loại đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc khiến chúng tôi rất lo ngại. Việc các đơn vị sản xuất, kinh doanh gắn tem truy suất nguồn gốc giúp người tiêu dùng như chúng tôi yên tâm mua và sử dụng sản phẩm hơn. Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm hơn nữa trong việc tuân thủ các quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm chất lượng, an toàn; các cơ quan nhà nước tăng cường quản lý hơn nữa, tuyên truyền biểu dương các cơ sở làm tốt, xử lý nghiêm và công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng để người tiêu dùng biết, tránh mua và sử dụng.
Đức Hạnh