Thứ Sáu, 22/11/2024 14:08:51 GMT+7
Lượt xem: 705

Tin đăng lúc 26-05-2023

Truy xuất nguồn gốc, giải pháp hữu hiệu bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng

Việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm hàng hóa là một giải pháp hữu hiệu, được các cơ quan chức năng áp dụng, nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, góp phần làm tăng sức cạnh tranh đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Truy xuất nguồn gốc, giải pháp hữu hiệu bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng
Cần chuẩn hóa mã vạch (TXNG sản phẩm)

Cùng với nhiều giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG”, nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động TXNG phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

 

Theo các cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù các lực lượng chức năng đã rất tích cực tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tuy nhiên, tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn diễn ra hết sức tinh vi và phức tạp, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp quyết liệt, xử lý nghiêm tình trạng này.

 

Qua đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng hơn 20 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến hướng dẫn cho doanh nghiệp áp dụng TXNG, ví dụ: TCVN 12850:2019 – Yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG; TCVN 12851:2019 – Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống TXNG; TCVN 12827:2019 – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi…, đây là điều kiện để doanh nghiệp áp dụng TXNG một cách chuẩn mực hơn, chính xác hơn. Giúp doanh nghiệp TXNG và cung cấp thông tin lên cổng quốc gia, minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có cơ sở dữ liệu tốt để có thể truy cập vào cổng thông tin, tìm hiểu các thông tin mà mình quan tâm.

 

Một sản phẩm được xem là có định dạng, truy xuất được nguồn gốc phải thông qua một loại nhãn điện tử sử dụng mã vạch hoặc mã QR theo tiêu chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch toàn cầu GS1. Các sản phẩm, hàng hoá này khi sử dụng phần mềm hoặc ứng dụng quét mã QR phải hiện lên đầy đủ thông tin về chuỗi sản phẩm, từ mua vật tư, theo dõi quá trình chăm sóc, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển.

 

Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện các chính sách, khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu qua các nền tảng số, đặc biệt là qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ dữ liệu phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu quản lý của Việt Nam.

 

Theo các chuyên gia, việc quản lý thông tin TXNG sản phẩm tập trung trên cổng thông tin TXNG thuộc lĩnh vực công thương là đòi hỏi bức thiết, đáp ứng việc quản lý sản xuất trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đảm bảo kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khi nhập nguyên liệu đến khi xuất sản phẩm, từ đó đảm bảo tính an toàn, chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm. Do đó, cần phát hiện, ngăn chặn, phòng chống hàng giả và hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh, phù hợp với chức năng quản lý sản phẩm hàng hóa lưu thông; Quản lý và tối ưu hoá chuỗi cung ứng, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng, nâng cao vị thế, uy tín sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; Đảm bảo sự công bằng, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, thu hút sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp nước ngoài, cải thiện môi trường đầu tư.

 

Tuy nhiên, hiện có khoảng 95% số sản phẩm đang được bày bán ở các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR và được quảng bá đã có TXNG. Thực tế, đây mới chỉ là truy xuất thông tin, không phải là TXNG vì thông tin đơn giản, ít ỏi, chỉ có nơi sản xuất, công dụng của sản phẩm, người tiêu dùng sẽ không phân biệt được sản phẩm đó là thật hay giả. Thậm chí, có những sản phẩm dán tem truy xuất, nhưng khi truy xuất thì không có thông tin gì hiện lên.

 

Tính đến thời điểm này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện có 4.516 gian hàng vi phạm và 13.642 sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng các quy định pháp luật đã được gỡ bỏ.

 

Trao đổi với phóng viên, anh Dũng – Một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên về may mặc và gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu chia sẻ: Các sản phẩm cần cập nhật thông tin đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để khi người tiêu dùng kiểm tra và TXNG, họ sẽ quyết định mua và sử dụng sản phẩm rất nhanh không phải đắn do. Những sản phẩm may mặc hiện nay có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ  bán rất tốt cả thị trường trong nước và nước ngoài.

 

Do vậy, để đáp ứng yêu cầu về TXNG cần có quy định cụ thể về các đơn vị có năng lực kiểm tra, đánh giá về TXNG cũng như thực hiện đúng quy trình đánh giá về TXNG. Khi tất cả các quy định đều rõ ràng, bắt buộc mọi người thực hiện, có sự giám sát của cơ quan nhà nước thì lúc đó việc thực hiện TXNG sẽ diễn ra thuận lợi, sản phẩm làm ra sẽ có giá trị cao do chất lượng đã được chứng minh. Ðiều này còn làm nên thương hiệu hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng.

 

Thu Hằng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang