Thứ Sáu, 22/11/2024 00:08:11 GMT+7
Lượt xem: 4764

Tin đăng lúc 15-10-2017

Từ 1/1/2018: Ngân hàng và doanh nghiệp được thoả thuận mức lãi suất

Theo Thông tư số 14/2017/TT-NHNN vừa được ban hành quy định cách tính lãi suất được quy đổi theo lãi suất năm. Đồng thời, các tổ chức tín dụng(TCTD) và doanh nghiệp được thoả thuận mức lãi suất và phương pháp tính lãi suất...
Từ 1/1/2018: Ngân hàng và doanh nghiệp được thoả thuận mức lãi suất
Quy định lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, một năm là 365 ngày.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây ban hành Thông tư số 14/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được ban hành; thay thế cho Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của Ngân hàng Nhà nước và các TCTD.

 

Theo đó, quy định lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, một năm là 365 ngày.

 

TCTD được thỏa thuận với khách hàng xác định thời hạn tính lãi theo một trong hai phương pháp: Phương pháp bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi (theo quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ Luật Dân sự) hoặc Phương pháp tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi.

 

Qua đó,TCTD và khách hàng được thỏa thuận về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp với quy định của pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng và quy định tại Thông tư.

 

Về minh bạch lãi suất, Thông tư quy định một phương pháp tính lãi để làm cơ sở minh bạch lãi suất, trong đó thời hạn tính lãi xác định theo Phương pháp bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi, số dư thực tế đầu ngày tính lãi.

 

TCTD phải thực hiện minh bạch về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi.Trường hợp khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thỏa thuận phương pháp tính lãi khác với phương pháp tính lãi làm cơ sở minh bạch lãi suất thì TCTD phải minh bạch thông tin về lãi suất năm tương ứng theo phương pháp tính lãi làm cơ sở minh bạch lãi suất quy định tại Thông tư.

 

Trường hợp có áp dụng lãi suất điều chỉnh thì tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, TCTD phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh theo thỏa thuận.

 

Nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, với thông tư mới này của NHNN, lãi suất cho vay trên thị trường hầu như đã được thả nổi hoàn toàn và được thực hiện theo cung –cầu, phản ánh sự vận hành của thị trường. Chính điều này đã giúp Việt Nam phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

 

Còn đối với doanh nghiệp, việc điều chỉnh chính sách nói trên cũng không có nhiều bất ngờ, đã có những thông tin “tín hiệu” trước đó nên doanh nghiệp cũng đã lường tính khi xét đến các kế hoạch vay vốn.

 

Tuy nhiên, sẽ vẫn phải tính toán kỹ, bởi lãi suất thỏa thuận sẽ không như trước đó. Doanh nghiệp sẽ phải xem lại sức chịu đựng của mình để có nên vay hay không. Mặt khác, trường hợp lãi vay quá cao, doanh nghiệp niêm yết có thể sử dụng công cụ huy động trên thị trường chứng khoán chứ không chỉ lệ thuộc vào kênh ngân hàng

 

Đồng quan điểm này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Việt Nam cần phát triển mạnh hơn thị trường trái phiếu, giúp các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp có khả năng huy động nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế chứ không nên chỉ trông chờ vào mỗi nguồn vốn từ ngân hàng. 

 

Phải nói rằng Thông tư 14 sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động được các phương án kinh doanh theo hướng thuận mua vừa bán, theo cơ chế thị trường. Có nghĩa là nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt thì sẽ vay được lãi suất rẻ, nếu phương án kém hiệu quả thì phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn.

 

Bà Nguyễn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thiên cho rằng: “Thông tư này tạo nên môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng và sòng phẳng. Doanh nghiệp  khi vay ngân hàng nếu có phương án trả nợ tốt, có tài sản đảm bảo cao thì có thể “mặc cả” với  ngân hàng để có lãi suất tốt nhất sao cho hai bên cùng có lợi”...

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang