RCEP tạo ra khối thương mại lớn nhất về quy mô kinh tế
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Hiệp định thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022 sẽ tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới theo quy mô kinh tế.
Dẫn phân tích mới đây của Ủy ban Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Bộ Công Thương cho biết: Tác động của RCEP đối với thương mại quốc tế sẽ rất lớn. Quy mô kinh tế của khối mới nổi và sự năng động trong thương mại của khối này sẽ khiến RCEP trở thành một trọng tâm đối với thương mại toàn cầu.
Thương mại giữa 15 nền kinh tế của khối đã trị giá khoảng 2,3 nghìn tỉ USD vào năm 2019, phân tích của UNCTAD cho thấy các nhượng bộ thuế quan của hiệp định có thể thúc đẩy xuất khẩu trong liên minh mới thành lập lên gần 2%, tương đương khoảng 42 tỉ USD. Thuế quan thấp hơn sẽ kích thích thương mại giữa các thành viên gần 17 tỉ USD; đồng thời chuyển hướng thương mại, vì mức thuế thấp hơn trong RCEP sẽ chuyển hướng thương mại trị giá gần 25 tỉ USD từ các nước không phải thành viên sang các nước thành viên.
Theo khuôn khổ RCEP, tự do hóa thương mại sẽ đạt được thông qua việc cắt giảm dần thuế quan. Trong khi nhiều loại thuế quan sẽ được bãi bỏ ngay lập tức, các loại thuế khác sẽ được cắt giảm dần dần trong thời gian 20 năm. Các mức thuế vẫn có hiệu lực sẽ chủ yếu giới hạn đối với các sản phẩm cụ thể trong các lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như nông nghiệp và công nghiệp ôtô, trong đó nhiều thành viên RCEP đã từ chối các cam kết tự do hóa thương mại.
Như vậy, với nguyên tắc trọng tâm là nhượng bộ thuế quan, thực thi RCEP sẽ loại bỏ 90% thuế quan trong khối và những nhượng bộ này là chìa khóa để hiểu những tác động ban đầu của RCEP đối với thương mại, cả trong và ngoài khối.
Những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP
Báo cáo của UNCTAD nêu rõ, các thành viên RCEP dự kiến sẽ được hưởng lợi trong các phạm vi khác nhau của hiệp định. Các nhượng bộ về thuế quan được kỳ vọng sẽ tạo ra tác động thương mại cao hơn cho các nền kinh tế lớn nhất trong khối, không phải vì sự bất cân xứng trong đàm phán, mà phần lớn là do mức thuế quan vốn đã thấp giữa nhiều thành viên RCEP khác.
Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các nhượng bộ thuế quan RCEP, phần lớn là do các tác động chuyển hướng thương mại. Xuất khẩu của nước này dự kiến sẽ tăng khoảng 20 tỈ USD, tương đương với khoảng 5,5% so với xuất khẩu của nước này sang các thành viên RCEP vào năm 2019.
Báo cáo cũng cho thấy, những tác động tích cực đáng kể đối với xuất khẩu của hầu hết các nền kinh tế khác, bao gồm Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và New Zealand. Đặc biệt, báo cáo của UNCTAD dự báo toàn bộ khu vực sẽ được hưởng lợi từ các nhượng bộ thuế quan của RCEP, với hầu hết những lợi ích này là do thương mại chuyển hướng khỏi các nước không phải là thành viên. Khi quá trình hội nhập của các thành viên RCEP tiến xa hơn, những tác động chuyển hướng này có thể được tăng cường mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế đánh giá, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc RCEP có hiệu lực cũng có thể thúc đẩy khả năng phục hồi thương mại.
Theo Lao động