Theo Thông tư này, cho phép tăng chi phí kinh doanh xăng dầu định mức của doanh nghiệp, đồng thời chia nhỏ định mức này thành 3 loại khác nhau. Cụ thể, mức tối đa với chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với xăng đã được nâng từ 860 đồng/lít như hiện tại lên mức 1.050 đồng/lít; dầu hỏa, dầu điêzen được tăng từ 860 đồng/lít lên mức tối đa là 950 đồng/lít và dầu madut, từ 500 đồng/kg sẽ tăng lên mức 600 đồng/kg.
Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh (bán buôn, bán lẻ) hợp lý, hợp lệ (được kiểm toán Nhà nước hoặc kiểm toán độc lập kiểm toán) cao hơn mức quy định trên. Thương nhân đầu mối cân đối, xem xét quyết định, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình, đồng thời, được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó để bù đắp chi phí kinh doanh hợp lý, nhưng giá bán không vượt quá 2% giá cơ sở công bố tại cùng thời điểm.
Thông tư còn quy định doanh nghiệp đầu mối được quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng phải hạch toán và theo dõi riêng bằng một tài khoản tiền gửi mở tại ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ phải trích quỹ bình ổn xăng dầu thường xuyên ở mức 300đ/lit (trừ khi có hướng dẫn khác của liên bộ). Lợi nhuận phát sinh từ tiền gửi ngân hàng của quỹ sẽ phải tính gộp vào quỹ.
Về sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở kỳ công bố tăng trong phạm vi đến 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, nhưng việc tăng giá ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên bộ sẽ xem xét công bố việc sử dụng Quỹ cùng thời điểm công bố giá cơ sở.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 4% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến 3%, và được sử dụng Quỹ BOG đối với phần tăng vượt 3% đến 4%.
Bộ Công Thương sẽ chủ trì công tác này, Bộ Tài chính sẽ chỉ tham gia với tư cách là cơ quan phối hợp.
Xuân Thân/Nguồn VOV.VN