Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vừa có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam về thời hạn áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu của Trung Quốc.
Cụ thể, dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.
Đáng chú ý, từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam.
Cụ thể, đối với dưa hấu: Trung Quốc không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít: yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Đối với chuối: yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).
Theo công văn trên, trong việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đang tồn tại một số vấn đề như hiện tượng làm giả chứng nhận, mở đơn hàng, tờ khai giả; vi phạm tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản. Riêng về việc vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, trong năm 2018, Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) nhập khẩu 1,53 triệu tấn trái cây Việt Nam, trong đó phát hiện 140 lô (chủ yếu là nhãn, chuối, chôm chôm) có sinh vật gây hại, không đạt tiêu chuẩn. Cũng trong năm vừa qua, Nam Ninh nhập khẩu 1,19 triệu tấn tinh bột sắn Việt Nam, phát hiện 3 lô không đạt tiêu chuẩn do có hàm lượng chì vượt mức cho phép.
Ngoài ra, phía Trung Quốc còn phát hiện hàng nước thứ 3 mượn xuất xứ Việt Nam để vào Trung Quốc. Cụ thể, cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện ớt nhập khẩu Việt Nam nghi là ớt Ấn Độ (do có kích thước, đặc điểm khác với ớt Việt Nam), trong khi Ấn Độ chưa được phê chuẩn xuất khẩu ớt vào Trung Quốc.
Nguồn Thời báo kinh doanh