Kịp thời nội địa hóa quy định này, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về kiểm soát tải trọng phương tiện, khối lượng hàng hóa vận chuyển tại cảng biển; yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam và các vụ chức năng khẩn trương đưa vào thông tư nội dung kiểm soát khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng container xuất nhập tại các cảng biển Việt Nam.
Theo đó, kể từ ngày 1/7, container trước khi đưa lên tàu để vận chuyển bằng đường biển phải được cân để xác định trọng lượng chính xác. Chỉ những container đã xác định trọng lượng mới được phép đưa lên tàu. Việc xác định trọng lượng container thực hiện thông qua trạm cân được phép hoạt động, có thể theo 2 cách: Cân riêng hàng hóa rồi cộng với trọng lượng vỏ container hoặc cân cả container đã chứa hàng.
Việc đưa vào Thông tư quy định kiểm soát trọng lượng hàng hóa theo IMO là việc bắt buộc thực hiện khi tham gia vận tải biển quốc tế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, trước mắt thông tư chỉ đưa ra quy định việc kiểm soát trọng tải hàng hóa vận chuyển bằng container để đáp ứng quy định của IMO; siết chặt kiểm soát tải trọng toàn bộ hàng hóa vào, rời cảng biển nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng ngay từ nguồn hàng.
Thực tế, các vấn đề liên quan đến kiểm soát container tại Việt Nam cũng đã được đặt ra năm 2014. Theo đó, tại Thông tư 49/2014/TT-BGTVT quy định về kiểm tra an toàn container được vận chuyển qua cảng biển Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định Cảng vụ Hàng hải khu vực có quyền kiểm tra tình trạng kỹ thuật của container vận chuyển qua cảng biển Việt Nam; đình chỉ hoạt động nếu phát hiện thấy container không có hoặc có gắn biển chứng nhận an toàn nhưng không đúng quy cách.
Theo Báo Công Thương