Nghị định 27/2018/NĐ-CP được xây dựng trên tinh thần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo kết luận số 66/TB-VPCP ngày 27/4/2016 của Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được sửa đổi, cắt giảm tại Nghị định này hầu hết là các nội dung đã được quy định trước đây ở các thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các quy định này đã được áp dụng ổn định trong một thời gian dài và nay được nâng cấp lên ở mức Nghị định của Chính phủ, đồng thời hủy bỏ, cắt giảm những quy định đã không còn phù hợp để bảo đảm thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Chính phủ tại các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016; Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016; Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015; Nghị quyết 19-2017/NQ-CPngày 6/2/2017...
Đáng chú ý, Nghị định cắt giảm 11 điều kiện đăng ký kinh doanh, 7 thủ tục hành chính và giảm khoảng 20 thành phần hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính về quy định quản lý, cấp phép trong lĩnh vực thông tin điện tử.
Theo đó, đối với quy định về quản lý, cấp phép trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, Nghị định đã cắt bỏ 5 điều kiện đăng ký kinh doanh gồm: Điều kiện về nhân sự tốt nghiệp đại học trở lên chịu trách nhiệm quản lý hoạt động trò chơi điện tử và diễn đàn người chơi khi xem xét cấp giấy phép cung cấp dịch vụ G1; cấp giấy chứng nhận G2, G3, G4 và cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản G1; cắt bỏ điều kiện về phương án kỹ thuật và điều kiện về phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn hệ thống khi có sự cố xảy ra khi xem xét, cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản G1 do các nội dung này đã được quy định trong điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng.
Nghị định cũng đã cắt bỏ 6 điều kiện về quản lý, cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, gồm: 4 điều kiện về nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin; 1 điều kiện về phương án tài chính bảo đảm thiết lập hệ thống thiết bị; 1 điều kiện quy định về điều kiện kỹ thuật đối với quy định về cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội.
Giảm mạnh số lượng thủ tục hành chính
Đối với quy định về quản lý, cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội Nghị định đã bỏ 2 thành phần hồ sơ liên quan đến các thủ tục hành chính gồm: Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên và sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm quản lý nội dung có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có ảnh và dấu giáp lai
Đồng thời, thay đổi thành phần hồ sơ liên quan đến các thủ tục hành chính: Thay vì yêu cầu phải nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp), quyết định thành lập (đối với tổ chức)... thì nay chỉ yêu cầu cung cấp bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc các giấy tờ nêu trên…
Nghị định 27/2018/NĐ-CP còn rút ngắn thời gian cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc và từ 30 ngày làm việc xuống còn 30 ngày đối với hồ sơ cấp phép thiết lập mạng xã hội, hồ sơ cấp phép trò chơi điện tử.
Đối với quy định về quản lý, cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đã hủy bỏ 7 thủ tục hành chính bao gồm: Thông báo cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4; thông báo thời gian chính thức cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng; thông báo thời gian chính thức cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; thông báo thời gian chính thức cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 cho công cộng.
Ngoài ra, Nghị định này đã hủy bỏ 11 thành phần hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính, gồm: Sơ yếu lý lịch nhân sự chịu trách nhiệm quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong cấp mới; bản sao giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi điện tử G1 đã được cấp trong thành phần hồ sơ đề nghị sửa đổi bổ sung giấy phép; bản sao giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 còn thời hạn tối thiểu 1 năm trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản; một số nội dung mô tả về phương án kỹ thuật trong thành phần hồ sơ phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi điện tử G1...
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thông tin điện tử, Nghị định 27/2018/NĐ-CP bổ sung quy định về thu hồi giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, giấy phép thiết lập mạng xã hội trong các trường hợp vi phạm quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Đồng bộ, nhất quán trong quản lý tên miền “.vn”
Đối với nội dung quy định về quản lý tên miền “.vn”, Nghị định mới này đã quy định nội dung liên quan đến điều kiện về kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn”; thủ tục hành chính liên quan tới báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam bảo đảm sự đồng bộ, đầy đủ và nhất quán với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định 27/2018/NĐ-CP bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi quốc gia Việt Nam trong đăng ký, sử dụng tên miền chung mới cấp cao nhất (NewgTLD).
Cụ thể, tên miền chung mới cấp cao nhất (New gTLD) là tên miền chung cấp cao nhất (gTLD) được Tổ chức quản lý tên miền quốc tế - ICANN mở rộng cấp phát trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân trên thế giới theo chương trình mở rộng đuôi tên miền dùng chung cấp cao nhất của ICANN (chương trình New gTLD).
Việc phát triển Chương trình đăng ký tên miền chung mới cấp cao nhất (New gTLD) đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xung đột về quyền lợi và tác động tới chính sách quản lý của các quốc gia trong đó có Việt Nam, như: Xung đột về quyền lợi quốc gia Việt Nam từ các tên miền New gTLD; khả năng xung đột quyền lợi quốc gia từ mở rộng cấp phát các tên miền cấp 2 dưới tên miền New gTLD.
Nghị định cũng quy định các nội dung về tiêu chí, nguyên tắc là sở cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi quốc gia Việt Nam trong đăng ký, sử dụng tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD.
Đồng thời, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia liên quan tới tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD; trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước để thẩm định các yêu cầu đăng ký, sử dụng tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD, thực hiện các biện pháp phản đối với ICANN hoặc các tổ chức quản lý tên miền cấp cao quốc tế trong trường hợp các tổ chức này cho đăng ký các tên miền có thể xâm phạm lợi ích quốc gia theo các tiêu chí đã được Nghị định quy định.
Bên cạnh đó Nghị định còn quy định trách nhiệm phối hợp của các Bộ, ngành, tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia liên quan tới tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD. Các quy định này tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi, lợi ích quốc gia liên quan tới việc đăng ký, sử dụng tên miền New gTLD, cụ thể hóa chủ trương, định hướng “bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng” mà Đảng và Nhà nước đang quan tâm chỉ đạo xuyên suốt.
Nguồn Vụ Pháp chế - Bộ TTTT