Tham dự hội nghị có: PGS.TS. Cố vấn khoa học Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) – Trần Lâm Biền; TS. Nguyễn Đạt Thức – Cục Di sản văn hóa; TS. Nguyễn Thế Quân - Phó trưởng Phòng Văn hóa quận Long Biên; TS. Phạm Văn Tuấn – Viện nghiên cứu Hán nôm; về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Thượng tọa Thích Minh Trí - Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Trí Như – Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Thanh Trì; về phía thành phố Hà Nội có bà Dương Thị Hội – Trưởng phòng nghiệp vụ cơ sở, BQL DTDT Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thanh – Phó phòng nghiệp vụ cơ sở, BQL DTDT Hà Nội; bà Nguyễn Thị Dung – Phòng quản lý di sản văn hóa Hà Nội; về phía UBND huyện Thanh trì có ông Nguyễn Văn Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện và đại diện các phòng ban. Tham dự hội nghị có đầy đủ lãnh đạo Đảng ủy, UBND, MTTQ, đại diện các tổ chức chính trị, đoàn thể xã Thanh Liệt và nhân dân thôn Văn.
Chùa Linh Quang hiện còn lại là một am thờ nhỏ, người dân địa phương vẫn duy trì cúng lễ. Tại hội nghị, đại diện Giáo hội phật giáo Hà Nội, huyện Thanh Trì bày tỏ sự vui mừng nếu chùa Linh Quang được tu bổ, tôn tạo
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Duy Nhật – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết: Ngày 23/4/2024, thôn Văn có tổ chức hội nghị họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư của thôn về việc phục dựng lại ngôi chùa cổ Linh Quang hay còn gọi là chùa ổi. Tham dự hội nghị có các đồng chí trong ban CTMT cơ sở, cùng 145 đại biểu đại diện hộ gia đình trong thôn về tham dự. Tại hội nghị có 3 ý kiến đại diện nhân dân phát biểu, rất mong muốn phục dựng lại ngôi chùa để cho nhân dân và các phật tử đỡ phải đi xa, hàng ngày đến tụng kinh niệm phật, cầu cho quốc thái dân an, dân làng hạnh phúc.
Ngày 12/5/2024 cán bộ và nhân dân thôn Văn có đơn gửi UBND xã đề nghị về việc xin phục phục dựng lại ngôi chùa cổ Linh Quang tại thôn Văn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ngày 18/6/2024, UBND xã Thanh Liệt có Báo cáo số 158 về việc đề xuất UBND huyện Thanh Trì và các phòng ban chuyên môn của huyện về việc khôi phục chùa Linh Quang tại thôn Văn, xã Thanh Liệt.
Tượng thờ bên trong Am thờ - di tích còn lại của chùa Linh Quang. Theo người dân địa phương, nơi đây rất linh thiêng
Ngày 13/5/2024 UBND xã Thanh Liệt tổ chức hội nghị về việc xin ý kiến phục dựng lại chùa Linh Quang (chùa Ổi) với thành phần tham dự có các đồng chí trong thường trực Đảng ủy – HĐND - UBND - UBMTTQ xã, trưởng các ban, ngành đoàn thể, cán bộ chuyên môn ủy ban, đại diện lãnh đạo thôn Văn. Tại buổi họp, hội nghị đã nhất trí việc phục dựng chùa Linh Quang bằng nguồn vốn kinh phí xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và nhân dân thôn Văn đóng góp.
Ngày 18/7/2024, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội và các phòng ban chức năng huyện Thanh Trì gồm Phòng VHTT huyện, phòng tài chính kế hoạch, Ban quản lý dự án ĐTXD, Phòng quản lý đô thị cùng đại diện UBND xã, thôn cùng tiến hành tham gia kiểm tra hiện trạng tại chùa Linh Quang và lập biên bản kiểm tra hiện trạng di tích chùa Linh Quang.
TS. Bùi Thế Quân - Phó trưởng Phòng Văn hóa quận Long Biên chia sẻ kinh nghiệm tu bổ tôn tạo các di tích tại quận Long Biên
Bày tỏ sự tin tưởng, ông Nguyễn Thế Quân - Phó trưởng Phòng Văn hóa quân Long Biên cho biết, việc tu bổ, tôn tạo chùa Linh Quang có nhiều thuận lợi vì có cơ sở khoa học minh chứng trước đây tồn tại chùa Linh Quang, trong khi đó, người dân đồng thuận, chính quyền huyện Thanh Trì, xã Thanh Liệt quan tâm. Việc tôn tạo, tu bổ chùa cần làm theo đúng quy trình, từng bước, làm đến đâu chắc đến đó, đảm bảo tính khoa học và tính pháp lý khi tu bổ, tôn tạo; có 03 nội dung cần quan tâm chú ý là, đánh giá hiện trạng, đơn vị tư vấn và nguồn vốn.
Tiến sĩ Nguyễn Đạt Thức (Cục Văn hóa di sản) có ý kiến nhấn mạnh, hiện nay, chùa Linh Quang, thôn Văn, xã Thanh Liệt bước đầu đã được đưa vào danh mục kiểm kê của thành phố. Để tu bổ, tôn tạo chùa Linh Quang cần có sự vào cuộc của chính quyền và nhân dân. Chính quyền cần có liện hệ mật thiết với các cơ quan của thành phố để nhận diện di tích. Việc tu bổ, tôn tạo cần thực hiện theo quy định của luật di sản văn hóa để di tích đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.
PGS.TS Trần Lâm Điền phát biểu tại hội nghị
Là người trực tiếp thăm, tìm hiểu chủa Linh Quang, PGS.TS. Trần Lâm Điền nhận định: Tôi đã xuống thôn Văn, đã vào thăm, tìm hiểu di tích. Tôi thấy lòng người, tâm trí, nguyện vọng đẹp đẽ của người dân thôn Văn. Chùa có tên cổ – Linh Quang Tự là ánh sáng linh thiêng của đạo Phật để dẫn chúng sinh đến chỗ giác ngộ, dạy con người đi vào con đường trí tuệ. PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng chùa được tu bổ, tôn tạo phải mang bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương. Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ ngành di sản văn hoá, khảo cổ học và cần sự đồng lòng, chung tay của lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở, ngành của TP Hà Nội và cộng đồng dân cư tại xã Thanh Liệt…
Đại diện sở ngành thành phố phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện BQL DTDT Hà Nội thông tin, đã kiểm tra thực tế, có công trình, có tượng thờ, nhân dân có duy trì thờ cúng, bước đầu đưa chùa Linh Quang vào danh mục kiểm kê, sắp tới sẽ đệ trình thành phố. Đại diện BQL DTDT đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền xã, huyện Thanh Trì, đồng thời đề nghị xã, huyện tiếp tục củng cố hồ sơ để có căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.
Đại diện nhân dân thôn Văn, ông Tạ Minh Tâm nêu ý kiến: Chùa Linh Quang là một ngôi chùa cổ, được xây dựng vào khoảng năm 1740, thời vua Lê Cảnh Hưng. Nhân dân thôn Văn tha thiết mong muốn ngôi chùa Linh Quang được xây dựng. Chùa Linh Quang được xây dựng sẽ là nơi các thế hệ con cháu thôn Văn tu dưỡng đạo lý, giữ gìn chữ hiếu trong gia đình, chữ tâm, chữ thiện trong quan hệ xã hội.
Ông Tạ Minh Tâm đại diện hơn 500 hộ dân thôn Văn, xã Thanh Liệt bày tỏ nguyện vọng tha thiết chùa Linh Quang được tôn tạo, tu bổ
Ghi nhận những đóng góp, ý kiến của người dân cũng như các đại biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì khẳng định, chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ nguyện vọng của nhân dân thôn Văn. Tuy nhiên, trong hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích cần phải chứng minh ngôi chùa từng tồn tại, có giá trị lịch sử, văn hoá...
Hiện nay, chùa Linh Quang còn một số dấu tích về vật chất và còn nhiều câu chuyện tương truyền trong dân gian, nhưng để tu bổ, tôn tạo di tích, nhân dân và chính quyền địa phương cần tiếp tục củng cố hồ sơ, có thêm nhiều luận cứ khoa học khẳng định giá trị lịch sử văn hoá của di tích.
Ngọc Minh