Thời gian qua, với nhiều nỗ lực to lớn, ngành Năng lượng nước ta đã có nhiều thành tựu nhất định, góp phần vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, yếu kém, chưa bắt kịp thời đại trước xu thế hội nhập, kinh tế số như: Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành Năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành Năng lượng chậm được nâng cao; Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; Chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ, một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn; Công tác bảo vệ môi trường trong ngành Năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức...
Trước những tồn tại, bất cập đó, Nghị quyến 55 ra đời được xem là bước đột phá, thể hiện tư duy đổi mới trong phát triển năng lượng quốc gia và là “chìa khóa” mở ra sự thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như: điện mặt trời, điện gió, pin nhiên liệu hydro… Cụ thể, Nghị quyết 55 nêu rõ quan điểm: Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành Năng lượng…
Đánh giá về tầm quan trọng, ý nghĩa của Nghị quyết 55, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Nghị quyết 55 không chỉ nêu bật những định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản mà còn tạo thuận lợi cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng ở Việt Nam nói riêng. Đồng thời, Nghị quyết xác định chiến lược rất rõ về định hướng phát triển bền vững năng lượng quốc gia thời gian tới: trong đó phải tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp. Đơn cử như Nghị quyết 55 nêu rõ phải phát triển cân đối hài hòa các nguồn điện, nhưng tập trung khai thác, sử dụng hợp lý và phù hợp các nguồn năng lượng sơ cấp, hóa thạch trong nước. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí… Nghị quyết 55 cũng xác định rõ các nguyên tắc để phát triển các nguồn năng lượng này một cách hiệu quả, đó là dựa trên yếu tố giá cả, công nghệ, độ an toàn. Riêng với năng lượng tái tạo thì tiếp tục xác định rõ cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia. Ở đây cũng phải kể đến quan điểm rất mới, mang tính quyết sách là tiếp tục xem xét và hình thành những Trung tâm Năng lượng tái tạo và những Trung tâm này phải dựa trên nền tảng, lợi thế của công nghệ, vị trí địa lý, tiềm năng...”.
Nghị quyết 55 xác định cần tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp
Với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược nói trên, Nghị quyết 55 đã vạch ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý như: Phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; Phát triển nhanh và bền vững ngành Điện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng; Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững;…
Ngay sau khi Nghị quyết 55 được ban hành, các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan chức năng đã nhanh chóng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, thực hiện chỉ đạo của Nghị quyết. Đáng chú ý là ngày 26/02/2020, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn cấp cao về phát triển năng lượng Quốc gia năm 2020. Sự kiện diễn ra nhằm tạo diễn đàn cho các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương được trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến về dự thảo chương trình hành động, chiến lược, quy hoạch, các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Trong khuôn khổ sự kiện, Diễn đàn đã có những cuộc Hội thảo ý nghĩa với chuyên đề hấp dẫn như: Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phát triển công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiềm năng và các giải pháp phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Có thể nói, Nghị quyết 55 đã mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Đồng thời, mở ra những cánh cửa mới và cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một Chiến lược với những cơ chế, chính sách mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hà Đăng