Đây được xem là chính sách mới giúp những đối tượng ở nhà thuê giảm đáng kể chi phí tiền điện sinh hoạt.
Hiện ở TP.HCM, giá điện trung bình tại các nhà trọ khoảng 3.500 - 4.500 đồng/kWh, ở Hà Nội là 4.000 - 5.000đồng/kWh; các thành phố khác như Cần Thơ, Đà Nẵng từ 3.000 - 3.500 đồng/kWh. Giá điện này được chủ cho thuê nhà hay cho thuê phòng trọ thu gồm tiền điện cộng với tổn thất, chi phí chiếu sáng và dùng chung.
Từ thực tế trên cho thấy, mức giá mà người đi thuê trọ phải trả cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện sinh hoạt theo quy định. Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện được chia làm 6 bậc thang. Bậc 1: từ 0 – 50kWh, khách hàng trả 1.549 đồng/kWh; Bậc 2: từ 51 – 100kWh trả 1.600 đồng/kWh; Bậc 3: từ 101 – 200kWh trả 1.858 đồng/kWh; Bậc 4: từ 201 – 300kWh trả 2.340; Bậc 5: từ 301 – 400kWh trả 2.615 đồng/kWh; Bậc 6: từ 401kWh trở lên trả 2.701 đồng/kWh. Điều này có nghĩa, số lượng điện tiêu thụ càng cao thì giá bán sẽ càng tăng theo từng bậc.
Tính đến hết tháng 9, EVN đã kiểm tra trên 177.000 nhà trọ và ký biên bản cam kết thu tiền điện đúng giá quy định với 157.000 chủ nhà trọ. Đến ngày 26/10/2018, khi Thông tư 25 có hiệu lực, EVN chỉ đạo các đơn vị rà soát các nhà trọ không kê khai được số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 cho toàn bộ sản lượng đo đếm được tại công tơ. EVN cũng xây dựng bổ sung module “Quản lý bán điện cho công nhân sinh viên thuê nhà để ở” trong Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) để phục vụ công tác theo dõi, báo cáo, giám sát thực hiện tại các đơn vị.
Ngoài ra, EVN cũng sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để kiểm tra, xử phạt các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền sai quy định.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá điện sẽ không tăng trong 3 tháng cuối năm 2018 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, giá bán lẻ điện có thể sẽ được điều chỉnh trong năm 2019. Song sẽ chú ý tới các đối tượng đặc biệt, trong đó người thuê nhà được mua điện giá công bằng.
Hiện giá điện bán lẻ bình quân đang là 1.720,65 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Lần tăng giá điện gần nhất là đầu tháng 12/2017 với mức tăng 6,08%.
Để Thông tư 25 phát huy hiệu quả, hiện tại cả Bộ Công thương và EVN đều đang chỉ đạo các Sở Công thương, các Tổng công ty điện lực phổ biến những điểm mới của Thông tư 25, đăng tải rộng rãi trên phương tiện truyền thông.
Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi điểm C Khoản 4 Điều 10 của Thông tư 16 như sau:
Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình):
Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn; cứ 04 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: một người được tính là ¼ định mức, 02 người được tính là ½ định mức, 03 người được tính là ¾ định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Có thể thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình sổ đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện. |
Nguồn VietQ