Chủ Nhật, 24/11/2024 01:08:17 GMT+7
Lượt xem: 2439

Tin đăng lúc 28-04-2016

Tuổi trẻ Habeco: Trao tặng là nhận về rất nhiều

Nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCC lần thứ 18 năm 2016 của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội tổ chức tại Đồng Hới – Quảng Bình, Đoàn thanh niên Tổng công ty cũng đồng thời lồng ghép chương trình từ thiện mang tên “Cùng em tới trường” tại huyện Bố Trạch.
Tuổi trẻ Habeco: Trao tặng là nhận về rất nhiều

Chương trình đã trao 50 suất học bổng cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi xuất học bổng trị giá 1.000.000 đồng. Có mặt tại buổi lễ, phóng  viên đã ghi chép được những hình ảnh và câu chuyện rất xúc động. Mở đầu buổi lễ là chương trình giao lưu văn nghệ được thể hiện bởi chính các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Tiếng hát của các em tuy vẫn còn thể hiện sự rụt rè e ngại, nhưng luôn được toàn thể bạn bè thầy cô và các anh chị đoàn viên thanh niên cổ vũ bằng những tràng pháo tay rất nồng nhiệt.

 

Trao đổi với một số phụ huynh có con nhận được học bổng của chương trình thiện nguyện này thì thấy rằng nhiều em đang lớn lên trong những cảnh ngộ rất đáng thương.

 

 

Chị Khuyên và con gái

                                

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Khuyên có con gái  là Nguyễn Thị Như Quỳnh năm nay học lớp 9 mà người viết có dịp trò chuyện sau buổi lễ trao học bổng cho đến giờ vẫn ám ảnh trong tôi. Ấn tượng nhất với tôi là nụ cười của chị, nụ cười hiền, khắc khổ và có gì đó gắng gượng. Dẫu vậy, chị luôn cười và nhỏ to tâm sự với tôi về cả những đoạn kể về chặng đường đau đớn nhất của cuộc đời mình.


Chồng chị bị thương trong khi đi làm rẫy do cuốc phải quả bom nổ chậm còn xót lại sau chiến tranh, sau 8 năm đi khắp nơi điều trị, tuy giữ được tính mạng nhưng đôi mắt của anh ấy đã mù vĩnh viễn. Nhân lực trụ cột trong gia đình trở thành tàn phế để lại gánh nặng cơm áo lên đôi vai gầy guộc của chị. Hiện nay, chị làm nghề cạo mủ cao su thuê để nuôi người chồng mù và ba đứa con trong đó có hai cháu bị nhiễm chất độc da cam.
Nhìn theo những bước đi tập tễnh của con gái khi cháu lên bục nhận học bổng, chị nghẹn ngào nói: “Con gái lớn của chị đấy, chân đi không co được nên mới tập tễnh vậy”.


Chị kể thêm rằng: “Thời gian đầu khi anh ấy trở nên tàn phế, chị hoang mang không biết phải làm gì để sống. Nhưng vẫn phải sống thôi. Vẫn phải làm thôi. Công việc không làm thì nó chất đống lên đây, nên vẫn cứ phải bỏ ra mà làm bò ra mà sống. Số đất ông bà ngoại cho chị, chị trồng cao su, nhưng chưa được thu hoạch thì một trận bão quét sạch rồi. Giờ chị làm nghề cạo mủ cao su thuê để nuôi gia đình. Mỗi ngày chị cạo dược 500 cây, cứ 100 cây thì người ta trả 12 nghìn. Chồng chị thì phụ đi chăn bò, nhiều khi đi lạc may mà có bò dẫn về ấy”.


Nếu như chị Khuyên khi trò chuyện luôn nở nụ cười thì trái lại, từ trong góc khuất của hội trường nhỏ, có một người mẹ ngồi thu lu, lặng lẽ khóc. Chị Phượng- mẹ của em Quân 15 tuổi bị chứng teo chân bẩm sinh. Năm nay đã lớp chín nhưng cơ thể của em không thể lớn mà nhỏ bé như một đứa trẻ lên 5.
                                          

Trò chuyện với chị, được biết chồng chị mất cách đây hai tháng. Một mình chị nuôi 4 đứa con và đều bị dị tật bẩm sinh. Để có tiền nuôi các con, chị lăn lộn với mọi công việc có thể:  lúc buôn cá khi bán tôm, lúc lại cạo mủ cao su, khi cấy thuê. Chị nói: “Tôm cá lúc này cũng khó bán vì dân họ sợ nhiễm độc, cũng may các em đi học đều được giảm học phí theo diện hộ nghèo nên gia đình đỡ vất vả”.
Câu chuyện với chị Phượng bị dang dở khi cậu con trai tìm mẹ với những bước chân khập khiễng lại gần. Chị dừng kể và nháy mắt với tôi nói nhỏ, thôi không nói nữa kẻo em nó tủi thân. Con trai chị dù cơ thể không thể lớn, nhưng đã biết suy nghĩ và thương mẹ và cố gắng học tập để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

 

50 em, với 50 hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng đều có chung một ý chí vươn lên. Chị Vân bí thư đoàn huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình cho biết: “Ở đây, còn có nhiều em có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương nhưng đều rất ham học. Mỗi năm, đoàn huyện cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức trong và ngoài tỉnh đi rà soát xác nhận những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để kịp thời giúp đỡ”.
Cuối buổi lễ trao học bổng, hình ảnh đoàn thành niên Habeco và các đoàn viên của huyện Bố Trạch cùng nắm tay nhau lên sân khấu hát vang bài “Nối vòng tay lớn” (Ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn).

 

 

Chị Vân - Bí thư đoàn huyện Bố Trạch

 

Dự án trao học bổng cho 50 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Bố Trạch Quảng Bình, là một chương trình thiện nguyện có chất lượng, truyền được niềm cảm hứng sâu sắc mà Đoàn thanh niên Habeco đã thực hiện thành công. Điều đó cho thấy, tuổi trẻ Habeco không những là một đội ngũ được đào tạo kỹ năng chuyên môn vững, có kiến thức về an toàn lao động và có kỷ luật hơn thế nữa họ còn là một tập thể có lối sống và hành vi sống hướng tới cộng đồng và những giá trị nhân văn cao cả.

 

Cùng tham gia với họ trong chuỗi những sự kiện hướng tới cộng đồng, tôi càng hiểu sâu sắc rằng: Hạnh phúc là phụng sự và biết chia sẻ. Đó chính là cảm hứng sống của các bạn trẻ Habeco.

                                                                             

    Nguồn: habeco.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang