Chủ Nhật, 24/11/2024 20:22:01 GMT+7
Lượt xem: 4470

Tin đăng lúc 07-01-2016

Tuyên Quang: Nỗ lực tạo dấu ấn hàng Việt

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước, Sở Công Thương Tuyên Quang với nhiều nỗ lực đã tạo được dấu ấn hàng Việt trong hoạt động thương mại và tiêu dùng trên địa bàn.
Tuyên Quang: Nỗ lực tạo dấu ấn hàng Việt
Tăng cường kiểm tra bảo đảm chất lượng hàng Việt

Thành công từ mô hình thí điểm

 

Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), Tuyên Quang đã xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Hai điểm bán hàng của tỉnh đều được đặt tại khu vực vùng nông thôn, sâu trong khu dân cư, gồm: Cửa hàng thương mại Sơn Dương (thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương) và cửa hàng thương mại thôn Cây Chanh 2 (xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên).

 

Để “lót đường” cho điểm bán hàng phát huy hiệu quả, nhiều hoạt động đãđược triển khai như: Hội nghị tại thành phố Tuyên Quang để phổ biến về mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” và kết nối giao thương giữa các đơn vị tham gia; tổ chức tuyên truyền trên Báo Tuyên Quang và Đài Phát thanh truyền hình tỉnh. Đặc biệt, mỗi điểm bán được hỗ trợ 40 triệu đồng để dựng biển, đầu tư kệ bày hàng…

 

Chia sẻ về hiệu quả của hai mô hình thí điểm, ông Lộc Kim Liễn - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang - cho biết: Các điểm bán hàng Việt Nam đã góp phần tạo ấn tượng tốt đối với người dân trong nhận thức về hoạt động triển khai hưởng ứng CVĐ; giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, có uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý, từ đó hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ tiêu dùng hàng Việt Nam. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh là chủ các điểm bán hàng được hưởng lợi từ việc tăng số lượng khách mua hàng; tăng doanh thu, lợi nhuận. Ngoài ra, mô hình còn có tác dụng lan tỏa đến các thương nhân tại địa bàn trong việc hưởng ứng xây dựng điểm bán hàng Việt Nam.

 

 

Một điểm bán hàng Việt tại Tuyên Quang

 

Thành công từ mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt Nam chỉ là một trong rất nhiều kết quả khả quan mà Tuyên Quang đã đạt được sau nhiều năm triển khai CVĐ. 5 năm qua, Sở Công Thương Tuyên Quang đã tổ chức 46 hội chợ trên địa bàn, với nội dung và chủ đề hưởng ứng CVĐ. Hoạt động này đã thu hút trên 3.900 lượt doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm; thu hút gần 2 triệu lượt khách tham quan; doanh thu bán hàng ước đạt trên 109 tỷ đồng.

 

Sở Công Thương cũng tổ chức Chương trình Phát triển hệ thống phân phối hàng Việt đến huyện Na Hang; 15 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, 3 phiên chợ miền núi tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa…, với tổng số 440 gian hàng, thu hút 200 lượt doanh nghiệp tham gia. Kết quả, chương trình đã giúp quảng bá được hàng hóa sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.

 

Mở rộng kênh phân phối hàng Việt

 

Theo ông Lộc Kim Liễn, sau 5 năm triển khai CVĐ, Tuyên Quang đã thu được nhiều kết quả: Doanh nghiệp trên địa bàn ý thức được ý nghĩa và sức mạnh của CVĐ, từ đó chủ động sáng tạo trong việc xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường theo hướng bền vững. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã đầu tư nghiêm túc vào chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu và quan tâm đến công tác chăm sóc khách hàng sau bán hàng.

 

Về phía người tiêu dùng, tác động từ những hoạt động thông tin tuyên truyền về CVĐ, các chương trình xúc tiến thương mại diễn ra thường xuyên liên tục, giúp họ có ấn tượng tốt hơn với hàng Việt; thói quen mua sắm đã có sự thay đổi, hàng Việt được ưa dùng hơn trên thị trường.

 

Mặc dù CVĐ đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, ông Lộc Kim Liễn vẫn băn khoăn bởi trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nguyên nhân do kinh phí dành cho CVĐ còn hạn chế nên Sở và doanh nghiệp tham gia gặp khó khăn trong quá trình hoạt động; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại chưa cao; vẫn còn doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng.

 

Để khắc phục những trở ngại trên, bảo đảm cho CVĐ phát huy hơn nữa hiệu quả, Sở Công Thương Tuyên Quang sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trung ương với các tỉnh, doanh nghiệp địa phương, tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ hàng Việt; vận động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa; xây dựng đề án tổ chức hội chợ, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ miền núi.

 

Các đơn vị chức năng của tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, không có nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

 

 

Ông Lộc Kim Liễn - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang:

 

Năm 2016, Tuyên Quang sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang