30 điểm vẫn không đậu
Năm 2017, điểm chuẩn xét tuyển vào ĐH, CĐ xác lập kỷ lục khi có ngành đến 30,5 điểm và so với năm 2016, điểm chuẩn tăng cao nhất 1-3 điểm. Tuy nhiên, năm 2021 điểm chuẩn ngành ở nhiều trường tăng đến chóng mặt, có ngành tăng đến 9 điểm. Nhiều ngành còn lại tăng từ 3- 6,75 điểm.
Điểm chuẩn cao nhất năm 2021 thuộc về ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) của Học viện Chính trị CAND, lên tới 30,34 điểm với nữ (khối C00). Xếp thứ 2 trong khối các trường công an là ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh nhân dân với mức 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc) dự thi khối A01.
Ngành Hàn Quốc học (khối C00) của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) điểm chuẩn đến 30 điểm. Chỉ tiêu vào ngành này không cao nhưng nhà trường đã xét tuyển thẳng hơn 50% chỉ tiêu. Cũng trường này, có những ngành điểm chuẩn khối C00 ở mức gần tuyệt đối như Đông phương học (29,8 điểm), Quan hệ công chúng (29,3 điểm).
Điểm chuẩn nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin tiếp tục thuộc tốp đầu. Năm nay, điểm chuẩn của những ngành này không có nhiều biến động, chỉ tăng ở mức rất ít do điểm chuẩn đã luôn rất cao vài năm trở lại đây. Điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cao nhất là 28,43. Ở ĐH Quốc gia TPHCM, ngành Khoa học máy tính Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Khoa học tự nhiên có mức điểm chuẩn cao nhất là 28 điểm.
Trong khi đó, ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn 28,75. Còn tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin (miễn học phí) ở mức 28,25 với khối A00 và 28,75 điểm với khối A01, D01, D90.
Ở nhóm ngành luật, dẫn đầu là điểm chuẩn vào ngành Luật kinh tế (khối C00) của Trường ĐH Luật Hà Nội với 29,25 điểm. Trong khi, Trường ĐH Luật TPHCM điểm chuẩn cao nhất là ngành Luật thương mại quốc tế với 28,5 điểm (khối D).
Với các trường đào tạo nhóm ngành kinh tế, điểm chuẩn vào nhiều ngành ở Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM điểm chuẩn dao động từ 28 đến 28,55 điểm.
Ở nhóm ngành sư phạm, năm nay điểm chuẩn đã đổi chiều khi xác lập kỷ lục với mức tăng đến 9 điểm so với năm 2020. Kỷ lục này thuộc về Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi ngành Sư phạm toán, Sư phạm tiếng Anh điểm chuẩn ở mức 28. Nếu so với năm ngoái, ngành Giáo dục chính trị có điểm chuẩn tăng đột biến tới tận 9 điểm.
Ngành Giáo dục công dân cũng tăng đến 6,75 điểm. Tại Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn các nhóm ngành tăng 2,3-5,8 điểm so với năm 2020. Ngành học từng bị cho là ế ẩm như Giáo dục mầm non điểm chuẩn cũng lên tới 25,05 điểm (năm ngoái 19,25 điểm).
Không quá bất ngờ
Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, điểm chuẩn năm nay tăng là điều đã dự báo ngay khi có kết quả điểm tốt nghiệp THPT năm 2021. Nếu so với kỷ lục năm 2017 thì điểm chuẩn năm nay cũng tương đương. Tuy nhiên, nếu xét mức điểm tăng cùng ngành năm trước so với năm sau thì năm nay là tăng kỷ lục nhất. Năm 2017, điểm chuẩn tăng nhiều nhất 1-3 điểm thì năm nay có trường tăng đến 9 điểm, mức tăng từ 4-6,75 điểm là khá nhiều.
Th.S Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, điểm chuẩn năm nay đa số tăng, thậm chí tăng mạnh, trừ nhóm ngành tuyển sinh tổ hợp B00 (Toán-Hóa-Sinh). Nguyên nhân là các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cũng giảm, dẫn đến điểm chuẩn phương thức này tăng cao.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM) thì cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay dễ hơn, điểm thi cao hơn năm ngoái (Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm ở 5 bài thi Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, bài thi Khoa học tự nhiên, bài thi Khoa học xã hội). Cùng với đó, thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH nhiều hơn 100.000 thí sinh năm 2020 nên góp phần đẩy điểm chuẩn lên rất cao.
Nhìn chung, mặt bằng điểm chuẩn tăng đều ở hầu hết nhóm ngành và các trường. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng, cùng với kết quả điểm thi, việc các trường tự chủ, sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác (chiếm 50-60% tổng chỉ tiêu), chỉ tiêu tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ giảm so với năm 2020.
Cho rằng với điểm chuẩn này sẽ có nhiều thí sinh không đậu, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM chia sẻ, nếu mơ ước không thành thì các em cũng cần bình tĩnh, suy nghĩ tích cực. Quy chế cho phép các trường tuyển sinh nhiều đợt, trường tốp trên hiếm khi xét tuyển bổ sung. Các em nên cân nhắc năng lực sở trường bản thân phù hợp với ngành nghề nào, đậu để học và thỏa khát khao đam mê nghề nghiệp chứ không phải chỉ để vào đại học.
Theo Bộ GD-ĐT, từ nay đến ngày 26-9 thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học. Thủ tục nhập học được các trường hướng dẫn cụ thể và thí sinh vào website của trường để tìm hiểu. Đối với thí sinh không trúng tuyển đợt này sẽ tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo, kể từ ngày 3-10 ở những trường còn chỉ tiêu. |
Theo báo Sggp.org.vn